Giả mạo văn bản của Văn phòng Chính phủ để tuyển lao động đi Hàn Quốc

03/03/2021 16:25 GMT+7

Một văn phòng hoạt động chưa được cấp phép tại Đắk Lắk đã giả mạo văn bản của Văn phòng Chính phủ để tư vấn, tuyển người làm thủ tục xuất khẩu lao động 'chui'.

Ngày 3.3, đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đơn vị đang xử lý đối với Văn phòng đại diện thuộc Công ty Cổ phần Việt TN (trụ sở tại đường Ngô Quyền, P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột) về các hành vi giả mạo văn bản của Văn phòng Chính phủ và lôi kéo, tư vấn, tuyển dụng xuất khẩu lao động trái phép.
Theo đại tá Lương, Công ty Cổ phần Việt TN được cấp phép hoạt động ở Hà Nội với chức năng tư vấn lao động. Còn tại Đắk Lắk, Văn phòng đại diện của công ty này chính thức hoạt động khoảng tháng 9.2020 nhưng chưa được cấp phép.
Qua xác minh bước đầu của PA03, Văn phòng của Công ty Cổ phần Việt TN tại Đắk Lắk có hành vi sửa nội dung, làm giả văn bản của Văn phòng Chính phủ (tải văn bản gốc về rồi tự sửa chữa, thay đổi nội dung, địa điểm) liên quan lĩnh vực xuất khẩu lao động để tư vấn, tuyển dụng nhiều người đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc nhằm thu lợi bất chính.
“Văn phòng này có làm thủ tục hoạt động tại Đắk Lắk nhưng chưa được cấp phép hoạt động. Trong thời gian qua, đơn vị này tuyên truyền, lôi kéo 47 người đóng tiền làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động thì bị cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu ngừng lại và khắc phục hậu quả. Tại thời điểm bị phát hiện, đơn vị này chưa thực hiện được hoạt động đưa lao động đi nước ngoài”, đại tá Lương cho biết.
Liên quan đến vụ việc, bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng phòng Lao động - việc làm và giáo dục nghề nghiệp - Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, cho biết sau khi nhận được phản ánh của người lao động và nhận thấy có sự giả mạo văn bản nên Sở đã chủ động báo cho PA03 tiến hành kiểm tra và yêu cầu đại diện doanh nghiệp đến làm việc.
Theo bà Lý, hiện Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu đơn vị vi phạm khắc phục, trả lại tiền đã thu cho người lao động; đồng thời gửi văn bản đến UBND các huyện, thị xã, thành phố để cảnh báo cho các địa phương và người lao động.
Cũng theo bà Lý, trên địa bàn Đắk Lắk có 7 đơn vị được cấp giấy phép dịch vụ việc làm. Đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động, chỉ có 1 công ty đăng ký và được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép nhưng vì năm 2020 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa có hoạt động gì.
Hiện vụ việc giả mạo văn bản, tuyển lao động trái phép trên đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.