Điện, vé máy bay, dịch vụ y tế… kéo nhau tăng giá
Trong cuộc họp điều hành giá quý 1/2023 diễn ra vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định trong thời gian tới giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.
Trước đó, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực đôn đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, báo cáo Bộ Công thương về phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm nay để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định, giá điện bình quân tăng từ 5 - 10% thẩm quyền thuộc Bộ Công thương, nhưng tăng từ 10% trở lên sẽ báo báo Chính phủ xin ý kiến. Với động thái này, nhiều dự báo giá điện trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh tăng có thể lên mức tỷ lệ 2 con số.
Tương tự, với giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cũng thông tin từ 1.7 tới sẽ tăng lương cơ sở, do đó giá dịch vụ y tế sẽ có sự điều chỉnh. Bộ Y tế đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo thông tư quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Cuối tuần trước, Bộ GTVT cũng đưa ra mức dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không, tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành. Thời gian dự kiến tăng là quý 2 và quý 3/2023. Theo đó, giá trần vé máy bay nội địa sẽ tăng thêm từ 250.000 - 610.000 đồng tùy theo đường bay. Việc tăng trần giá vé máy bay theo tính toán có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay tăng thêm 0,07%. Nhưng ngay cả khi chưa tăng khung giá dịch vụ thì giá vé máy bay cũng đang rất đắt đỏ so với mọi năm.
Là người thường xuyên đi lại tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM, chị Kim Ngọc (Q.7, TP.HCM) cho hay đầu tuần này chị mua vé bay Vietjet chiều đi từ TP.HCM đến Quảng Ngãi gần 850.000 đồng/lượt, trong khi trước đây chỉ hơn 600.000 đồng/lượt. Không chỉ máy bay mà giá cước nói chung đều tăng. Cung đường này nếu đi xe khách 1 năm trước khoảng 350.000 đồng/lượt, từ giữa năm 2022 đến nay vé tăng lên 450.000 đồng/lượt.
Các bậc phụ huynh thì đang lo học phí cũng có khả năng tăng trong năm học 2023 - 2024 (bắt đầu vào tháng 9.2023). Theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu quản lý và chính sách miễn giảm học phí, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập năm học 2023 - 2024 sẽ tăng từ 160.000 - 310.000 đồng/tháng so với năm học 2022 - 2023, tương tương học phí một năm học sẽ tăng thêm từ 1,6 - 3,1 triệu đồng. Mức trần học phí này sẽ còn tiếp tục tăng đến năm học 2025 - 2026. Riêng đối với khối phổ thông, từ năm học 2023 - 2024 trở đi khung học phí sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân, nhưng không quá 7,5%/năm…
Giảm lãi vay, VAT hỗ trợ doanh nghiệp
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý như điện đã không tăng trong nhiều năm, trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng. Vì vậy việc tăng giá điện hay giá trần vé máy bay, dịch vụ y tế… trong năm nay đã được dự báo trước. Đó là lý do Chính phủ đưa ra mục tiêu CPI năm 2023 tăng khoảng 4,5%, cao hơn năm trước và đã được Quốc hội phê duyệt.
"Quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là tính toán kỹ để mức tăng bao nhiêu, tăng thời điểm nào là hợp lý. Đồng thời cần có giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng "tát nước theo mưa", nhất là sau khi giá điện tăng. Đúng là nhiều hàng hóa sẽ bị tác động trực tiếp hay gián tiếp từ giá điện nhưng phải có sự kiểm soát để không bị tăng sốc, phi lý", ông Long cảnh báo.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng phí tăng, thuế tăng, chi phí tăng… là các yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong 6 tháng cuối năm. Mâu thuẫn lớn nhất trong nền kinh tế sau đại dịch là chúng ta có thể duy trì được lạm phát trong chỉ tiêu, nhưng lãi suất huy động và lãi cho vay doanh nghiệp (DN) lại quá cao. Năm 2022, chúng ta kiểm soát lạm phát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 là dưới 4,5%. Thế nhưng từ giữa tháng 10.2022 đến nay mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng từ 9,5 - 10%/năm. Như vậy lãi suất huy động vốn của các ngân hàng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Điều này cũng đồng nghĩa lãi suất cho vay đối với các DN cũng rất cao và quá sức chịu đựng của họ.
Để hỗ trợ DN, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất với mỗi đối tượng, ngành hàng cần có giải pháp đặc thù khác nhau. Theo Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ, mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Khi nguy cơ lạm phát vẫn còn hiện hữu, việc thực hiện cùng lúc hai mục tiêu vừa "cứu" DN, vừa ổn định kinh tế vĩ mô là rất khó.
"Việc ngân hàng không dễ giảm lãi suất, bởi những động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đang gây khó cho DN. Thế nên chính sách giảm 2% VAT vẫn cần kéo dài, hoặc ít nhất 6 - 9 tháng mới đủ tác động tới DN. Song song đó, Chính phủ nên cho triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đến DN sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhằm khơi thông dòng vốn cho DN, mặt khác hỗ trợ bình ổn giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô", ông Việt nêu ý kiến.
Áp lực lạm phát với kinh tế VN là không nhỏ
Theo báo cáo cập nhật kinh tế VN do Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố, trong năm 2023 áp lực lạm phát với kinh tế VN là không nhỏ, đến từ cả trong nước và thế giới còn nhiều bất định. Năm 2023 lạm phát VN ở mức bình quân 4,5% và có thể cao hơn. Sang năm 2024, dự kiến giảm còn 3,5% và về 3% trong năm 2025 - mức trước đại dịch Covid-19. Con số dự kiến này dựa trên giả định là lạm phát trong nửa đầu năm sẽ bị ảnh hưởng do cú sốc giá nhiên liệu hồi tháng 3.2022 vẫn chưa hết hẳn dư chấn và việc dừng chính sách giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong gói hỗ trợ kinh tế năm 2021.
Bình luận (0)