Giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn neo cao

07/10/2022 04:26 GMT+7

Giá xăng dầu giảm mạnh, về bằng 1 năm trước, thế nhưng giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu, dịch vụ vận tải... vẫn chưa giảm tương xứng gây bức xúc trong dư luận.

Khó giảm vì giá cước “có độ trễ”?

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có văn bản yêu cầu các bộ và UBND các tỉnh thành nghiên cứu vấn đề quản lý điều hành giá khi “giá xăng giảm, giá hàng hóa chưa giảm”; đặc biệt với các mặt hàng đang tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng. Chỉ đạo của Chính phủ hoàn toàn có cơ sở vì tính đến ngày 3.10, giá xăng dầu trong nước đã giảm tương đương giá của hơn một năm trước (cuối tháng 9.2021). So với thời điểm giá xăng dầu tăng vọt lên đỉnh vào ngày 21.6, cách đây hơn 3 tháng, đến nay, giá các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu đã giảm mạnh hơn 30%. Giá gas tính từ đầu năm đến nay cũng giảm mạnh, từ khoảng 530.000 đồng, nay giảm còn 405.000 đồng/bình 12 kg.

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn còn neo mức cao

ngọc dương

Tuy nhiên, ghi nhận tại chợ Tân Phước (Q.Tân Bình, TP.HCM) sáng 6.10 cho thấy, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống không những giảm mà đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Cụ thể, thăn thịt bò giá 300.000 đồng/kg, sườn non heo 190.000 đồng/kg, thịt ba rọi 190.000 đồng/kg, cốt lết 150.000 đồng/kg, giò 120.000 đồng/kg; cá bớp 390.000 đồng/kg, tôm sú 310.000 đồng/kg, cá thu 350.000 đồng/kg, cá chim trắng 210.000 đồng/kg; gà ta 150.000 đồng/kg… Các mặt hàng này so với cách đây 3 tháng đã tăng hơn 10 - 20%. Còn so với 1 năm trước, thậm chí tăng mạnh.

Chẳng hạn, vào tháng 10.2021, sau khi TP.HCM mở cửa trở lại, giá sườn non và thịt ba rọi cũng tại quầy thịt heo trong chợ này bán giá 180.000 đồng/kg; thăn bò giá 280.000 đồng/kg, tôm sú biển 280.000 đồng/kg. Tháng 10.2021, tham khảo bảng giá hàng tươi sống của Sở Công thương TP.HCM, giá cá bớp 280.000 đồng/kg, cá thu 250.000 đồng/kg…

Làm gì có một con heo vào cùng 1 lò mổ, được cơ quan thú y kiểm dịch như nhau, trừ đi thuế giá trị gia tăng vẫn chênh nhau đến 40%? Theo tôi, không nên là thuyết phục, vận động và thông cảm nữa, quản lý thị trường phải bắt buộc những nhà cung ứng, nhà phân phối… đang bán giá hàng hóa nhu yếu phẩm cao bất thường trong bối cảnh bình thường phải kê khai giá.

Ông Vũ Vinh Phú, Chuyên gia thương mại

Đặc biệt, giá trứng gà sau thời gian tăng nóng thời phong tỏa đại dịch, giá có lúc lên 45.000 - 50.000 đồng/chục, đến tháng 10.2021, trứng gà về mức 27.000 - 35.000 đồng/chục, trứng vịt 33.000 - 38.000 đồng/chục. Mức giá này gần bằng thời điểm khi TP.HCM chưa thực hiện giãn cách. Giá trứng gà của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá như Ba Huân, Đông Hưng, C.P Việt Nam, Vĩnh Thành Đạt, Saigon Co.op… được điều chỉnh tăng giá vào giữa tháng 6 vừa qua đến nay chưa thấy giảm. Cụ thể, trứng gà từ 31.500 đồng/chục, trứng vịt 37.000 đồng/chục.

Riêng giá một số rau củ có phần hạ nhiệt. Bà Phạm Thị Hạnh, chủ cửa hàng rau củ quả Đà Lạt trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), dẫn chứng: rau bó xôi vào tháng 10.2021 giá bán lẻ tại cửa hàng từ 40.000 đồng/kg, nay về 33.000 - 35.000 đồng/kg; súp lơ xanh từ 35.000 đồng/kg, nay về 25.000 đồng/kg; ớt chuông từ 60.000 đồng/kg nay về 40.000 đồng/kg… “Giá cước xe chở rau về TP đến nay vẫn chưa giảm, cước chở thùng rau giá 40.000 đồng từ năm ngoái đến nay chưa thay đổi”, bà Hạnh nói.

Cước vận tải chưa chịu giảm là “cái cớ” để nhiều nhà kinh doanh không hạ giá bán hàng hóa. Theo thông tin sơ bộ từ Sở GTVT TP.HCM, chỉ có vài doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định tiếp tục đăng ký kê khai giảm giá cước sau khi điều chỉnh giảm khoảng 10 - 15% vào tháng 7 vừa qua. Đối với các hãng taxi, từ giữa tháng 8, hãng taxi chiếm thị phần lớn nhất tại TP.HCM là Vinasun đã đăng ký thủ tục giảm giá cước ở mức 1.000 đồng/km. Ở khu vực Hà Nội, các doanh nghiệp cũng đã kê khai điều chỉnh giá cước mới với mức giảm trung bình từ 5 - 10% trên tổng giá cước của các hãng. Song, cũng giống như vận tải hàng hóa, giai đoạn giá nhiên liệu tăng mạnh liên tục, kéo dài nhưng các hãng chỉ dám nhích giá lên cầm chừng để giữ chân hành khách. Xăng tăng 5 - 6 lần nhưng giá cước chỉ tăng nhẹ 1 lần nên các doanh nghiệp vận tải hành khách khó giảm giá cước hơn nữa theo sát biên độ của giá xăng. Riêng với các hãng taxi công nghệ, hiện chưa có doanh nghiệp nào công bố kế hoạch giảm giá cước.

Kê khai giá hàng thiết yếu “cao bất thường”

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh, cho biết các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP.HCM hiện nay điều hành giá cước theo 2 cơ chế: Hợp đồng có kỳ hạn cố định theo tháng/quý, cập nhật giá thành mới nhất cho khách hàng tại thời điểm ký kết và dạng hợp đồng có thỏa thuận điều chỉnh giá theo biến động giá xăng dầu trên thị trường. Đối với dạng hợp đồng thứ nhất, khi giá nhiên liệu tăng thì khách hàng cũng không đồng ý cho doanh nghiệp vận tải điều chỉnh tăng cước nên những hợp đồng chưa tăng giá, hiện không giảm. Còn lại, với những doanh nghiệp ký hợp đồng theo phương thức thứ 2, đã điều chỉnh tăng cước khi giá xăng dầu tăng thì hiện nay sẽ điều chỉnh giảm tiếp. Đơn cử với Lâm Vinh, ước tính chi phí chiếm 35% cơ cấu giá thành nên giờ xăng dầu giảm thêm 10%, tương ứng công ty giảm 3,5% giá cước đối với các hợp đồng thỏa thuận.

Tuy vậy, ông Lâm Đại Vinh cho biết cước vận tải hàng hóa khó có thể giảm sâu hơn về hẳn như giai đoạn 1 năm trước vì các doanh nghiệp vận tải hiện đang rất khó khăn. Dù giá xăng dầu giảm nhưng nhiều loại phụ tùng, vật tư chưa giảm tương ứng. Chẳng hạn như tiền lương cho nhân viên hay giá nhớt, vỏ xe vẫn neo ở mức giá cao như thời “bão” xăng dầu càn quét. Nguyên nhân, một số công ty phân phối vỏ xe phải vận chuyển từ Bắc vào Nam nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến này đã phá sản sau dịch, chiều xe ra khan hiếm, giá thành sản phẩm vì thế cũng khó giảm. “Về cơ bản thì giờ giá xăng giảm đến đâu cước vận tải cố gắng giảm theo tương ứng tới đó. Khi nào nhiều ngành khác cũng động đậy, giá phụ tùng, vật tư… giảm theo thì cước vận tải mới tiếp tục giảm sâu được”, ông Vinh thông tin.

Theo Sở Công thương TP.HCM, trong cơ cấu giá hàng hóa, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng không lớn, việc giảm giá xăng dầu chỉ là “điều kiện để điều chỉnh giá cả hàng hóa”. Trong khi đó, nhiều mặt hàng thiết yếu đang có giá đầu vào tăng mạnh, giá nhập khẩu không giảm như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu… gây ảnh hưởng lớn cho việc giảm giá của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn đề quản lý giá đã được Chính phủ “chẩn bệnh” rất đúng, đó là kê khai giá, trong thực tế, giá hàng hóa trên thị trường đến nay quản lý vẫn tù mù. Chẳng hạn, cùng ngành hàng với nhau là thịt heo, tại chợ cho dù có tăng từ 180.000 đồng lên 190.000 đồng một ký thịt ba rọi, vẫn rẻ hơn nhiều so với giá 290.000 đồng/kg cùng loại này trong siêu thị. Nhiều mặt hàng thịt, rau trong siêu thị đang cao hơn giá ngoài chợ hoặc được gắn nhãn mác công ty, nhà phân phối và đóng gói đẹp hơn để tăng giá.

“Doanh nghiệp bán thịt trong siêu thị bắt buộc phải kê khai giá. Làm gì có một con heo vào cùng 1 lò mổ, được cơ quan thú y kiểm dịch như nhau, trừ đi thuế giá trị gia tăng vẫn chênh nhau đến 40%? Theo tôi, không nên là thuyết phục, vận động và thông cảm nữa, quản lý thị trường phải bắt buộc những nhà cung ứng, nhà phân phối… đang bán giá hàng hóa nhu yếu phẩm cao bất thường trong bối cảnh bình thường phải kê khai giá”, ông Phú bức xúc.

Ông Vũ Vinh Phú nói thêm: “Mấy hôm nay, giá heo hơi giảm sâu xuống 55.000 đồng/kg, nhưng giá thịt trong siêu thị vẫn đứng yên. Nên nhớ, 80% hàng vào siêu thị là ký gửi, nhà phân phối có quyền đàm phán lại theo giá hợp lý để bảo vệ người tiêu dùng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.