Trong khuôn khổ Triển lãm ô tô Việt Nam đang diễn ra tại TP.HCM. Trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online, ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty ô tô Ford Việt Nam đã có những chia sẻ liên quan đến sự biến động của thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian qua cũng như cơ hội và thách thức cho ngành ô tô Việt Nam trước ngưỡng cửa 2018.
Ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty ô tô Ford Việt Nam trao đổi với Thanh Niên Online
|
Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến của thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm đến nay?
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), bốn tháng đầu năm thị trường vẫn tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hai tháng gần đây, tâm lý chờ đợi thuế giảm và giá xe giảm trong năm 2018 của người tiêu dùng, thị trường bắt đầu chững lại.
Người tiêu dùng có thể đang kỳ vọng, bước sang năm 2018, khi Việt Nam gia nhập hoàn toàn vào AFTA, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm về 0%. Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý rằng chỉ các dòng xe có tỉ lệ nội địa hóa trên 40% mới được hưởng mức thuế này. Số lượng các xe này chiếm tỷ lệ không lớn trong toàn thị trường. Ngoài thuế nhập khẩu, chi phí sở hữu xe ô tô còn phụ thuộc vào mức thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và phí trước bạ cũng như nhiều loại phí khác.
Hiện nay, các hãng xe đều đang tiến hành các chương trình khuyến mại mạnh mẽ, đưa ra nhiều ưu đãi cho khách hàng. Có thể nói, mức giá hiện nay cho nhiều dòng xe còn tốt hơn mức có thể giảm vào năm sau. Chúng tôi hy vọng rằng sau Triển lãm ô tô Việt Nam 2017 – Vietnam Motor Show 2017 với sự xuất hiện của các mẫu xe mới và thói quen mua sắm cuối năm, thị trường ô tô trong nước sẽ sôi động trở lại.
Vietnam Motor Show 2017 như cú hích góp phần giúp thị trường ô tô trong nước sôi động trở lại
|
Hiện nay, ô tô phân phối trên thị trường đang theo hai xu hướng nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước. Theo ông, sự phân hóa này tác động thế nào đến thị trường ô tô Việt Nam?
Các sản phẩm lắp ráp trong nước vẫn chiếm sản lượng chủ yếu, do yếu tố chi phí sở hữu cũng như khả năng nắm bắt trực tiếp thị hiếu của người tiêu dùng của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi Việt Nam dần hòa nhập vào các sân chơi khu vực và quốc tế cũng đang mở ra thị trường rộng lớn hơn, sự phát triển của xe nhập khẩu cũng góp phần mang lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Các nguồn sản xuất trong khu vực, với quy mô thị trường lớn hơn nhiều và hệ thống phụ trợ phát triển, sẽ cung cấp các sản phẩm với tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nội địa vẫn có cơ hội cạnh tranh ở từng phân khúc thế mạnh. Để cạnh tranh được bền vững và không vi phạm các điều luật quốc tế, Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với chi phí sản xuất cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách 20% hiện tại.
Vậy trong xu thế hội nhập, theo ông hướng đi nào là phù hợp với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?
Theo tôi, chúng ta nên học tập các nước khác trong khu vực, nghiên cứu và quan sát chính sách của họ để từ đó tạo nên các chính sách cân đối và hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh các chính sách phát triển hạ tầng phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế, chúng tôi nghĩ rằng các biện pháp thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất của Việt Nam với các nước khác trong khu vực, tạo ra sân chơi chung cho tất cả các nhà đầu tư sẽ là hướng đi đúng đắn.
Các nhà sản xuất nội địa vẫn có cơ hội cạnh tranh ở từng phân khúc thế mạnh
|
Để đạt được mục tiêu xóa bỏ khoảng cách hơn 20% chênh lệch giữa chi phí sản xuất trong nước hiện nay so với các nước trong khu vực, chúng ta có thể xem xét việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ ngoài khối ASEAN, hỗ trợ sản xuất trong giai đoạn chuyển đổi, xem xét việc tính thuế TTĐB và các loại thuế phí khác một cách hợp lý…
Đến nay, sau hơn 20 năm kể từ khi hình thành, phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp. Theo ông, đâu là lý do khiến cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thể bứt phá?
Muốn phát triển bứt phá được ngành ô tô bắt buộc chúng ta phải có đủ dung lượng thị trường để đạt được tính hiệu quả của quy mô. Quan sát xung quanh, chúng ta đều thấy các nước phát triển được ngành công nghiệp ô tô thường theo các chính sách nhất quán trong một thời gian dài và chú trọng hấp dẫn các nhà đầu tư sản xuất xe cũng như các nhà cung cấp phụ trợ.
Ông dự báo thế nào về thị trường ô tô Việt Nam cũng như tình hình kinh doanh của Ford VN khi bước sang năm 2018? Liệu sẽ có một đợt giảm giá mạnh?
2017 giống như năm bản lề để cả thị trường bước vào giai đoạn hội nhập thực sự từ năm 2018. Mặc dù sẽ có những thách thức và sóng gió phía trước nhưng chúng tôi cũng nhận thấy còn nhiều tiềm năng vì Việt Nam mới bước vào giai đoạn cơ giới hóa non trẻ. Ford VN sẽ tích cực cắt giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Chúng tôi kỳ vọng 2018 sẽ là một năm có tăng trưởng dương.
Nếu các chính sách thuế khác không thay đổi, giá một số dòng xe sẽ giảm nhẹ do việc giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN và giảm thuế TTĐB cho dung tích động cơ dưới 2.0 lít. Tuy nhiên, với các chương trình khuyến mại mạnh mẽ trong năm 2017, hiện nay giá xe ở Việt Nam đã tiến gần với mức trung bình trong khu vực và khó có thể giảm thêm nhiều vào năm 2018.
Xu hướng của người tiêu dùng ô tô Việt đang dần dịch chuyển từ xe sedan sang sử dụng dòng xe SUV/Crossover. Nhận định của ông thế nào về sự thay đổi này?
Nhu cầu về xe hơi cũng giống như trong ngành thời trang, thường có các bước lặp lại, nhưng là theo xoáy trôn ốc. Trước đây, các dòng xe đa dụng đã từng ở thời hoàng kim trên thế giới. Nó thỏa mãn nhu cầu phong phú của người dùng, có thể di chuyển ở nhiều địa hình, khả năng vận hành mạnh mẽ, rộng rãi và phong cách. Sau đó, khi nhiên liệu khan hiếm và đắt đỏ hơn thì thế giới lại chuyển sang xu hướng xe nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu.
Người tiêu dùng đang chuyển dịch dần sang các mẫu xe mạnh mẽ, rộng rãi nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu
|
Ngày nay, khi công nghệ xe hơi đã phát triển đến một bước đáng kể, người ta có thể vừa thỏa mãn sự rộng rãi, mạnh mẽ, thể thao, lại vừa tiết kiệm nhiên liệu bằng các công nghệ động cơ mới. Chính điều này đã giúp nhu cầu của người tiêu dùng chuyển dịch sang các dòng SUV hiện đại. Đơn cử như dòng Explorer của Ford, là SUV cỡ lớn, hạng sang, mạnh mẽ và tiện nghi, được trang bị động cơ EcoBoost 2.3 lít, có khả năng vận hành mạnh mẽ như một động cơ 3.5 lít thông thường nhưng tiêu hao nhiên liệu chỉ như động cơ hơn 2.0 lít. Ford Explorer đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam và tạo ra chuẩn mực mới cho phân khúc này.
Trước những thay đổi về xu hướng chọn xe hơi của người tiêu dùng, Ford VN có những điều chỉnh thế nào về sản phẩm cũng như chiến lược kinh doanh?
Hiện tại, Ford đang dẫn đầu trong nhiều phân khúc như xe thương mại (Transit), xe bán tải (Ranger), xe SUV nhỏ đô thị (EcoSport), xe SUV lớn hạng sang (Explorer). Các sản phẩm của Ford nổi trội trên thị trường nhờ trang bị các công nghệ hiện đại với chi phí sở hữu rất cạnh tranh.
Hiện nay chúng tôi nhập khẩu 2 mẫu xe từ Thái Lan và một mẫu từ Mỹ (Explorer), còn lại vẫn sản xuất nội địa 4 mẫu còn lại. Ford cam kết duy trì sản xuất tại Việt Nam và tăng tính cạnh tranh trong chi phí. Đồng thời, chúng tôi cũng liên tục cập nhật các sản phẩm mới nhất với các công nghệ hiện đại để việc di chuyển của người Việt Nam ngày càng an toàn, thông minh và tiện nghi.
Ranger - xe bán tải của Ford liên tục dẫn đầu phân khúc trong vài năm trở lại đây
|
Thành công của Ford VN trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của dòng xe bán tải nhập khẩu Ford Ranger. Chia sẻ của ông về bí quyết tạo nên thành công của dòng xe này?
Với chiến lược Một Ford, từ năm 2012, Ranger đã lột xác và trở thành một trong những chiếc bán tải an toàn, tiện nghi và hiệu quả nhất, với thiết kế bắt mắt, đáp ứng mọi nhu cầu tinh tế của khách hàng.
Ranger là chiếc xe tải đích thực, nó có khả năng chở nặng lên đến 1 tấn, khả năng kéo và vận hành mạnh mẽ và khả năng vượt qua các địa hình hiểm trở. Ranger cũng là mẫu xe đa dụng với gói công nghệ hàng đầu về an toàn như cảnh báo lệch làn, hỗ trợ đổ đèo, cảnh báo va chạm phía trước, SYNC 3 với Navigation… Dẫn đầu trong phân khúc bán tải trong 4 năm gần đây, Ranger đã trở thành trợ thủ đắc lực của nhiều tổ chức, công ty và các hộ kinh doanh gia đình.
Bình luận (0)