Giá tăng 30 - 40% nhưng hư hại nhiều
Khoảng một tháng qua, trời mưa thường xuyên nên vài ba ngày chị Dương Thị Ngọc, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM) mới tranh thủ đi chợ một lần. Mỗi lần đi chợ lại thấy giá các loại rau cải nhích lên một chút. Chị Ngọc thừa nhận, ban đầu cũng không để ý nhưng thời gian gần đây mỗi khi đi chợ thấy tốn tiền nhiều hơn. Đặc biệt là rau mua về, phần hư hỏng phải bỏ nhiều hơn trước nên mới tìm hiểu vì sao… "rau nát mà giá lại chát" hơn bình thường. "Hầu hết các loại rau đều tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, đặc biệt là các loại rau ăn sống như: xà lách, rau thơm, cà chua, dưa leo…", chị Ngọc cho biết.
Đó cũng là nhận định chung của nhiều người nội trợ ở TP.HCM. Chị Nguyễn Thanh Thùy, ngụ Q.10, nói: Khoảng một tháng trước chỉ cần tầm 50.000 đồng là đủ mua rau cho 3 người ăn cả ngày. Nay phải 60.000 - 70.000 đồng mới đủ, đặc biệt là các loại rau ăn lá bị hư hại nhiều và phải mất thời gian mới lựa được rau ngon. Trước đây, mấy chị bán rau còn tự động cho thêm hành, ớt và rau nêm nhưng gần đây họ không cho nữa nên chị phải tốn thêm 2.000 - 3.000 đồng cho mấy loại rau gia vị này. "Ngoài đường trước kia các xe bán rau lưu động phổ biến chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại thì nay cũng tăng lên 20.000 - 30.000 đồng/kg. Còn đi ăn hàng quán, mỗi lần xin rau thêm thấy chủ quán cũng không nhiệt tình", chị Thùy nhận xét.
Theo khảo sát của chúng tôi tại thị trường TP.HCM, hầu hết các loại rau đều tăng giá khoảng 30% so với bình thường. Tăng mạnh nhất là các loại rau xà lách, lên mức từ 45.000 - 60.000 đồng/kg, tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Bên cạnh đó là các loại cà chua, dưa leo, tần ô, rau dền, cải xanh, cải ngọt từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Các loại bầu, bí, mướp khoảng 30.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Chị Huỳnh Ngọc Phú, phụ trách thu mua ngành hàng rau của chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, lý giải trong vài tuần gần đây nguồn cung rau tại các vùng trồng từ Đà Lạt tới các tỉnh miền Tây đều giảm và giá tăng bình quân 30% so với bình thường. Nguyên nhân là do thiếu hụt rau vì mưa kéo dài. "Tuy nhiên, do chúng tôi có hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp nên sản lượng vẫn đảm bảo để phục vụ khách hàng", chị Phú nói.
Mưa lớn kéo dài… nhà vườn cũng thất thu
Liên lạc với đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thì được biết, trong những ngày qua lượng rau củ quả về chợ biến động nhẹ tùy theo ngày nhưng cơ bản không ảnh hưởng nhu cầu tiêu thụ chung của thị trường. Cụ thể ngày 26.7, tổng lượng hàng về chợ là 2.556 tấn, giảm 4 tấn so với ngày trước đó; giảm mạnh nhất là nhóm rau, giảm 20 tấn so với hôm trước. Cùng ngày sức mua các mặt hàng của Đà Lạt như cà chua, dưa leo tăng khiến giá tăng khoảng 1.000 đồng/kg. Còn đến ngày 28.7, lượng rau về chợ tăng nhẹ lên 1.603 tấn nhưng do nhu cầu cao khiến giá nhiều mặt hàng như bầu, bí đao, bí ngòi, cải bó xôi, cải ngọt, dưa leo, khổ qua… cũng tăng giá từ 1.000 - 5.000 đồng/kg. Đến ngày 31.7, lượng hàng lại giảm xuống dưới 1.600 tấn và một số loại đậu, ớt hiểm đỏ tăng giá 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Trong tháng 7.2023, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 475,5 triệu USD, giảm 28,2% so với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỉ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỉ USD của cả năm 2022.
Theo một số chủ vựa kinh doanh ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức: Giá rau củ quả tăng nguyên nhân chính là do mưa nhiều và mưa lớn kéo dài gần suốt cả tháng qua nên các vườn rau ăn lá bị thiệt hại nặng, nguồn cung thiếu hụt cục bộ một số nơi. Đây là tình trạng phổ biến vào mỗi mùa mưa bão. Thêm vào đó, gần đây giá xăng tăng và một số tuyến đường vận chuyển rau từ Đà Lạt về TP.HCM bị ách tắc phải đi đường vòng nên phát sinh chi phí vận chuyển.
TX.Gò Công (Tiền Giang) là một trong những vùng trồng rau lớn của ĐBSCL. Đại diện một số hợp tác xã trồng rau ở đây than thở, người trồng rau rất khổ sở vì mưa lớn kéo dài làm rau chậm lớn, năng suất giảm khoảng 40 - 50%. Bên cạnh đó, nhà vườn phải tốn nhiều công chăm sóc hơn nên dù giá tăng nhưng lợi nhuận vẫn không tăng so với bình thường.
Ông Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc Hợp tác xã rau quả Long Thuận, chia sẻ: Bình thường giá phổ biến một ký rau chúng tôi bán ra chỉ 10.000 đồng, nay lên tới 15.000 - 16.000 đồng nhưng vẫn không đủ hàng giao vì sản lượng giảm gần một nửa. Rau thu hoạch xong, chúng tôi phải sơ chế và loại bỏ những cọng hư, xấu rất nhiều. Thiếu nắng, làm cây chậm phát triển và sâu bệnh. Bên cạnh đó công thu hoạch và sơ chế cũng tăng. Chính vì vậy dù giá tăng nhưng nhà vườn vẫn không có lãi.
"Hiện tại chúng tôi cung cấp rau theo hợp đồng cho các siêu thị và cả chợ truyền thống. Nguồn cung hạn chế nên phải ưu tiên cho các kênh theo hợp đồng. Còn các chợ truyền thống họ buôn bán linh hoạt hơn nên thường thì giá rau ở chợ biến động nhiều hơn các kênh phân phối lớn", ông Tùng lý giải.
Các nhà vườn cho biết: Việc nguồn cung thiếu hụt chỉ là cục bộ và tạm thời, thị trường sẽ nhanh chóng ổn định trở lại vì thời gian từ khi gieo trồng đến thu hoạch một lứa rau chỉ mất khoảng 30 ngày.
Bình luận (0)