Giá sạp tại chợ sỉ lao dốc

25/03/2023 07:11 GMT+7

Giá sang nhượng, giá thuê sạp áo quần theo hình thức "giấy tay" giữa các tiểu thương ở nhiều chợ sỉ tại TP.HCM lao dốc khi sức mua sụt giảm, hàng hóa ế ẩm.

An Đông Plaza giảm tiền thuê sạp 12%?

Sáng qua (24.3), ngày thứ 3 các quầy sạp tại An Đông Plaza tiếp tục đóng cửa để yêu cầu Ban Quản lý An Đông Plaza giảm giá thuê sạp thỏa đáng cho tiểu thương. Đến trưa cùng ngày, đại diện Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông đồng ý giảm phí thuê sạp thêm 2% nữa (trước đó giảm 10% sau 3 lần tiểu thương gửi đơn thỉnh nguyện). Như vậy, tổng cộng cả hai lần, chủ đầu tư giảm 12% giá thuê sạp so với giá thuê mới. 

Ban quản lý An Đông Plaza nói về chuyện tiểu thương căng thẳng, đồng loạt đóng cửa

Theo thông báo ngày 13.3 của An Đông Plaza, đối với tiểu thương đã ký hợp đồng thuê, giảm trực tiếp 10% tiền thuê kể từ ngày 1.3.2023 đến ngày 29.2.2024 đối với gian hàng đã ký hợp đồng thuê và còn hạn tính đến ngày thông báo. Với gian hàng sang nhượng, cộng thêm thời gian sang nhượng tương ứng 10% (nay là 12%) trên nguyên tắc quy đổi các mức ưu đãi được hưởng. Trong thông báo gửi đếu tiểu thương An Đông Plaza ngày 13.3, chủ đầu tư khẳng định những ưu đãi này là nhằm "cảm ơn sự đồng hành của tiểu thương" trong bối cảnh kinh tế thị trường khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Giá sạp tại chợ sỉ lao dốc - Ảnh 1.

Chợ Bến Thành tấp nập một thời vẫn chưa lấy lại phong độ từ sau dịch

NGUYÊN NGA

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều tiểu thương cho biết họ hiểu quy tắc thuận mua vừa bán trong kinh doanh. Nếu không đồng ý với giá thuê của chủ tòa nhà, có thể ngưng không ký hợp đồng nữa. "Song chúng tôi đang bị đẩy đến tình thế tiến thoái lưỡng nan, đi không nỡ ở không đành. Bởi hợp đồng sang nhượng với chủ đầu tư trị giá 1,35 tỉ đồng trong 5 năm qua chủ sạp mới kinh doanh được 2 năm là dịch bùng phát, mất 3 năm không mua bán gì được vì ảnh hưởng dịch bệnh và hậu Covid. Đến nay, mãi lực còn giảm mạnh hơn năm 2022. Nhưng nếu không duy trì kinh doanh tại trung tâm, sẽ mất tiền nợ của bạn hàng; rồi hàng hóa đã mua về, chất trong kho biết bỏ, bán cho ai?", bà Th. - chủ sạp tại An Đông Plaza, chia sẻ và thú thật hiện đa số tiểu thương quay về chợ An Đông truyền thống bên cạnh để kinh doanh. Nơi đó, bán cùng mặt hàng, cùng đối tượng khách hàng, hạ tầng mát mẻ nhưng mỗi tháng chỉ đóng cho Ban quản lý chợ 200.000 đồng/sạp. Nếu không có sạp, thuê lại cũng cao nhất là 5 triệu đồng/tháng. Trong khi tại An Đông Plaza, tiền thuê là 20 - 50 triệu đồng/sạp.

Qua rồi thời hoàng kim của sạp chợ sỉ

Thời hoàng kim, có những người bán một sạp vài mét vuông ở chợ mua được cả căn nhà mặt phố. Nói về vấn đề này, nhiều tiểu thương tại chợ Tân Bình vẫn nhắc đến trường hợp của bà M. Khoảng năm 2006, bà M. mua sạp 6 trong chợ trị giá 6 chỉ vàng. Vài năm sau đó, bà bán được 180 cây vàng rồi ôm vàng lên khu vực Phú Thọ Hòa mua 3 cái nhà mặt tiền vừa kinh doanh vừa ở. 

Tại chợ An Đông, thời hoàng kim, mỗi sạp có giá 3 tỉ đồng (82 cây vàng), tương đương trị giá 2 căn nhà mặt tiền trên cùng tuyến đường. Cũng năm 2006, với giá sang nhượng 1 m2 sạp lên đến 230 lượng vàng, tương đương 173.000 USD, chợ Bến Thành (TP.HCM) được nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đánh giá hiện đang là nơi có giá đất sang nhượng đắt đỏ nhất thế giới, vượt xa cả khu đất vốn đắt nhất thế giới trước đây là Ginza, Tokyo (Nhật Bản) cũng chỉ khoảng 130.000 USD/m2.

Giá sạp tại chợ sỉ lao dốc - Ảnh 2.

Chợ ế, tiểu thương tại An Đông Plaza đóng cửa nghỉ bán

HOÀNG HY

Nhưng thời hoàng kim của sạp chợ sỉ đã qua. Giờ được hỏi về giá sang nhượng, đa số chủ sạp đều ngán ngẩm: "Giờ cho ngồi không tính phí sạp, chỉ trả tiền hoa chi, thuế hằng tháng hộ tiểu thương thôi cũng không có ai thèm ngồi". Tại chợ Tân Bình, sau năm thứ nhất dịch Covid-19 bùng phát, số sạp quanh chợ, trong chợ và cả những tuyến đường xung quanh khu vực chợ đóng cửa dời về nhà. Đến nay, việc đóng quầy, trả mặt bằng vẫn gia tăng. Khi được hỏi về giá sang nhượng sạp tại chợ này, chị Dịu - chủ sạp kinh doanh áo quần gần khu vực chợ Tân Bình, lắc đầu cười lớn: "Trong chợ ế rề, đưa hàng về nhà hết vì ngồi cả ngày trong chợ không ai vào hỏi lấy hàng. Các tuyến đường quanh chợ còn bán lai rai, nhưng cũng trả mặt bằng hơn 50%. Nói chung là rụng như sung".

Chị Dịu kinh doanh ở đây gần 20 năm trước nhưng "không có số sang sạp". Chị kể, hồi đó vợ chồng làm may xong lô quần jeans xuất khẩu, có hơn 100 triệu đồng, chị ra chợ sang sạp hết 80 triệu đồng. Mua bán trong chợ không có khách, hơn 5 năm sau chị sang nhượng cho người khác giá 300 triệu đồng. Vừa trao tay thì xung quanh "rần rần" giá 500 - 700 triệu đồng. Và sau đó thì giá liên tục leo dốc. Tuy nhiên, cơn sốt giá sạp tại chợ Tân Bình cũng qua rất nhanh khi có chủ trương xây lại chợ. Giá sang nhượng đến thời điểm trước dịch bùng phát cho mỗi sạp ở vị trí "ngon ăn" cũng chỉ 200 triệu đồng. Nay thì "nhu cầu trả sạp cao hơn và không thấy ai hỏi sang nhượng", chị Dịu vừa nói vừa xuýt xoa: "May quá tôi vừa định sang một sạp giá 490 triệu đồng trước dịch. Nếu sang thì nay chỉ biết ngồi khóc chứ làm gì".

Tiểu thương tìm đủ cách để "xoay"

Trong khi phải gồng mình để trả phí sạp hằng tháng, giải pháp của nhiều tiểu thương chọn là cho thuê lại sạp với giá rẻ hơn giá thuê từ chủ đầu tư. Chẳng hạn, tại An Đông Plaza, chị Th. - chủ sạp cho biết chị đóng 1 lần 5 năm cho chủ đầu tư là 35 triệu đồng/sạp, nay chị cho thuê lại với giá 25 triệu đồng/sạp từ năm 2002, lỗ 10 triệu đồng/tháng. "Tôi mới cho thuê được 1 năm trở lại đây, 2 năm trước bỏ không, tính ra mất hơn 800 triệu đồng trong 2 năm dịch bệnh", chị thở dài.

Chị Thy (Q.Gò Vấp) là cán bộ về hưu, kể: Năm 2022, nhiều quầy sạp tại chợ Bến Thành tiếp tục đóng cửa. Qua một người bạn giới thiệu, chị đã sang nhượng được 2 sạp ở dãy quầy hàng ăn uống với giá 500 triệu đồng/sạp. Trước đó, trong năm đầu tiên bùng phát dịch, giá sang nhượng mỗi sạp ở chợ Bến Thành từ 700 - 1,5 tỉ đồng, giá thuê từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Chị Thy đã ký hợp đồng cho thuê 2 sạp giá 8 triệu đồng từ nay đến tháng 8.2023, sau đó tính tiếp.

Tại chợ An Đông, một số tiểu thương không ra bán hàng cũng cho thuê lại giá 5 - 7 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng người có nhu cầu thuê bán hàng không nhiều. Tại chợ Tân Bình, bà H. - chủ một sạp áo quần cho một người bán áo quần trẻ em ngồi miễn phí. Họ chỉ cần đóng tiền hoa chi khoảng 6 triệu đồng/năm, thuê thêm kho bên trong 5 triệu đồng/năm nữa, tổng tốn 11 triệu đồng trong năm 2023. "Không ai mua hàng thì cho ngồi không họ cũng không lấy đó", bà H. cho biết.

Trên một số trang rao vặt, cho thuê, giá thuê sạp tại chợ Tân Bình 4 triệu đồng/sạp 2,2 m2. Tuy nhiên, hiếm có người hỏi. Tương tự, tại chợ Bến Thành, nhiều sạp vẫn treo bảng cho thuê. Do đặc thù tại chợ này là chủ yếu phục vụ khách du lịch mà lượng khách đến TP.HCM còn quá thấp, nên nhu cầu thuê sạp bán hàng tại đây cũng hiu hắt.

Trên các tuyến đường Tân Thọ, Đông Hồ, Lê Minh Xuân gần chợ Tân Bình, theo chị Dịu, giá thuê sạp từ 16 triệu đồng, trong dịch, chủ nhà giảm xuống 15 triệu, rồi 13 triệu đồng/tháng. Hiện tại, chị đóng 72 triệu đồng cho 6 tháng thuê 1,2 m2 trên tuyến đường này. Chủ nhà có 7 lô cho thuê, nay đã trả hết 4 lô, còn lô chị Dịu và 2 người nữa "cầm cự" đến tháng 6 hết hợp đồng thuê sẽ tính tiếp. "Làm ăn ế ẩm nhưng thuế kinh doanh đóng từ 3,2 triệu đồng/tháng, nay phường thu 3,6 triệu đồng. Tăng ngay trong khi ngồi cả tuần không bán được hàng. Không đóng lại bị phạt, thậm chí chưa hết quý 1, phòng thuế P.8 còn đòi phạt tiểu thương vì chậm đóng thuế. Cái khó nó bó đủ đường", chị Dịu ta thán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.