Giá tác quyền âm nhạc: Lấy chuẩn ở đâu?

26/03/2008 22:21 GMT+7

Để làm rõ hơn biểu giá tác quyền, cách thức truy thu, hình thức phân phối, cách bảo hộ tác quyền đối với các phòng trà, nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, mạng internet, chương trình phát thanh, truyền hình, Thanh Niên đã trao đổi với ông Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

* Ông nghĩ sao về việc đòi tác quyền của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa qua?

Tôi hoàn toàn chia sẻ với gia đình cố nhạc sĩ về những bức xúc tác quyền. Anh Sơn là một trong số ít nhạc sĩ chưa ký hợp đồng ủy thác cho trung tâm. Họ có quyền làm vậy. Tôi chỉ băn khoăn thực hiện bằng cách nào vì các đơn vị sử dụng tản mác khắp nơi, rất khó kiểm soát. Đó mới chỉ là thu tác quyền tại các phòng trà, tụ điểm ca nhạc, còn vô số các địa điểm khác thì thế nào?

Nếu được gia đình cố nhạc sĩ ủy thác, chúng tôi buộc phải áp dụng mức giá chung, đồng loạt như các nhạc sĩ khác. Trong tình hình hiện nay, mức giá thấp là khả thi nhất và cũng giúp người sử dụng làm quen với ý thức bản quyền.

Về nguyên tắc, thu tác quyền là hành vi "thuận mua vừa bán" giữa chủ sở hữu và bên sử dụng. Trong trường hợp các bên không đạt tới thỏa thuận, Nhà nước phải làm "trọng tài" để đảm bảo lợi ích chung cho cộng đồng. Cục Bản quyền (Bộ VH-TT-DL) đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm tránh tình trạng "mạnh ai nấy thu" và "thu theo cảm nhận" như hiện nay.

* Cơ sở nào khẳng định mức giá hiện nay đã thực sự hợp lý, khiến các bên đồng thuận?

Trên lĩnh vực tác quyền, chúng tôi đang thu dưới mức mong muốn của các nhạc sĩ. Chúng tôi "cảm giác" đáng lẽ phải "n" đồng thì chúng tôi chỉ lấy % của số "n" đó. Để đạt được sự đồng thuận, chúng tôi cũng đang chờ những văn bản pháp luật khác có hiệu lực, ví dụ như Nghị định về xử phạt bản quyền. Nhưng nếu cứ ngồi chờ pháp luật hoàn chỉnh thì đến bao giờ mới bảo vệ tác quyền được, vậy cứ làm trước đã!

* Quyền của nhạc sĩ mới chỉ là một bộ phận của quyền tác giả, vì một tác phẩm, chương trình biểu diễn còn được tạo nên bởi nhạc sĩ phối khí, tác giả lời thơ (nếu là ca khúc chuyển thể), nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình… Do đó, trung tâm có thể chỉ nhân danh các nhạc sĩ mà yêu cầu đơn vị sử dụng tạm ngừng dịch vụ nếu chưa trả tác quyền?

Chúng tôi không được ủy nhiệm của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và các tổ chức khác. Vì vậy, chúng tôi chỉ thu phần của mình trước đã.

* Có “thấu tình đạt lý” không khi chỉ tính đến chuyện thu trước, thậm chí thu cả tiền của những nhạc sĩ không ký thác, hoặc thu được mà không phân phối được, như trường hợp tồn đọng gần 1 tỉ đồng tại trung tâm?

Tình trạng thu mà không phân phối được, trên thế giới cũng xảy ra, không chỉ riêng Việt Nam. Trường hợp nhầm tên, nhầm bài, nhầm tác giả là bình thường. Thu mà không phân phối được vì nhiều lý do: tác giả không đến lấy tiền, không tìm được địa chỉ... Chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Cục Bản quyền để giải quyết số tiền tồn đọng. Có nhiều cách khác nhau để thu tác quyền. Cách của chúng tôi là làm từ từ, mở rộng ở mọi lĩnh vực. Đừng nên tham bát bỏ mâm, bỏ cái lợi lớn để nghĩ đến cái lợi nhỏ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Ảnh: Y.N

Theo ông Phó Đức Phương, hiện nay trung tâm căn cứ vào văn bản pháp luật đã có, đối chiếu tham khảo quốc tế và xem xét dựa trên những điều kiện thực tế ở Việt Nam, tùy từng loại hình biểu diễn mà thu tác quyền. Đối với các loại hình biểu diễn có nguồn tài trợ để tổ chức và không bán vé, căn cứ theo buổi diễn để tính 250.000 đồng/tác phẩm/buổi diễn. Đối với các chương trình biểu diễn, tụ điểm ca nhạc có doanh thu từ bán vé, tính 5% tổng doanh thu dự kiến. Với các khách sạn, thì trong phòng ngủ, thu 25.000 đồng/phòng/năm; ở nhà hàng, quán cafe trong khuôn viên, thu 55.000 đồng/ghế/năm (với nhà hàng có sức chứa 51-100 ghế), thu 48.000 đồng/ghế/năm (với nhà hàng có sức chứa từ 101 ghế trở lên); tại các quầy bar trong khuôn viên khách sạn thu 86.000 đồng/ghế/năm (với sức chứa 51 người trở lên), và tự thỏa thuận nếu dưới 50 ghế. Tại các siêu thị, nếu là hạng 1 (diện tích từ 5.000m2 trở lên), thu 12.500.000 đồng/năm, nếu hạng 2 (diện tích từ 2.000m2  đến dưới 5.000m2 ) thì thu 8.000.000 đồng/năm, hạng 3 (diện tích từ 500m2  đến dưới 2000m2  thu 5.000.000 đồng/năm... Nếu nghe và tải nhạc chuông, mỗi thuê bao phải trả 16.000 đồng/tác phẩm/tháng. Nếu nghe và tải nhạc trên các website thì (chủ website) phải trả 15% tổng doanh thu nếu chỉ nghe không tải, còn nếu tải thì phải trả 23% giá download...

Y Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.