Công việc xem chừng đơn giản thế thì có gì mà thích? Nhưng thử hình dung xem, mỗi khi đưa con đến trường trong lòng tôi rất vui vì nghĩ rằng con sẽ học được điều hay lẽ phải, học được biết bao nhiêu kiến thức. Mỗi khi tan trường, nhìn thấy con miệng cười vui vẻ, dung dăng dung dẻ bước ra, lòng tôi ngập tràn niềm vui vì biết rằng con mình đã tiếp thu được rất nhiều điều bổ ích từ thế giới học đường.
Tôi không giàu có gì cho lắm, lương bổng vợ chồng chỉ đủ chi tiêu cho sinh hoạt thường ngày, nhưng tôi luôn cố dành dụm một số tiền để phục vụ cho việc học hành của con. Ngoài việc lo cho con về mặt vật chất, tôi còn dạy con phải biết yêu kính ông bà, cha mẹ, anh em, quê hương, đất nước bằng những bài hát ru, những câu ca dao, tục ngữ, những điệu lý, câu hò. Mỗi khi thấy con được điểm 10 hoặc nghe cô giáo khen “cháu ngoan, chăm học” thì mọi khổ cực, mệt mỏi trong tôi đều tan biến.
Ngày xưa, khi ba má tôi mới cưới nhau, kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng ba tôi luôn cố gắng lo cho chị em tôi được đến trường, không bỏ dở chuyện học hành. Những người hàng xóm thấy vậy bảo: “Con gái cần gì học cao, biết vài chữ là đủ rồi”, “Cho nó một ít tiền làm vốn, kiếm cái gì buôn bán cũng sống khỏe re”. Nhưng ba má tôi phớt lờ những lời bàn tán đó. Ba thường nói với má: “Mình nghèo không có tiền của, tài sản gì cho con, thôi thì ráng lo cho bọn trẻ có được chút ít kiến thức để sau này vào đời khỏi vất vả, khỏi bị thua thiệt”.
Đến tôi, suy nghĩ của cha mẹ hồi xưa vẫn còn là điều tâm đắc khi mình làm cha mẹ: “Gia tài dành cho con là một núi vàng không bằng cho chúng một ít kiến thức”.
Kim Điệp
Bình luận (0)