Gia tăng người mắc đái tháo đường do lười vận động

21/07/2018 12:32 GMT+7

'Lối sống lười vận động, ăn uống không kiểm soát là nguyên chính gây nên tình trạng gia tăng người mắc đái tháo đường typ 2'.

Đó là đánh giá của TS-BS Nguyễn Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường (ĐTĐ), Bệnh viện Nội tiết T.Ư. “ĐTĐ được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi vì đây là căn bệnh mà có thể không gây ra những cái chết nhanh chóng như các bệnh cấp tính khác nhưng nó lại âm thầm tiến triển và cuối cùng dẫn tới tử vong. Nếu trước đây người dân thường vận động thể lực nhiều, ra đồng làm ruộng, hoạt động trong các nhà máy, đi lại bằng xe đạp, đi bộ… thì giờ đây trong môi trường hiện đại, mọi người dần dần hình thành thói quen lười vận động, chủ yếu di chuyển bằng ô tô, xe máy, đặc biệt lười đi bộ, có khi chỉ 1 - 2 tầng gác cũng đi thang máy.
Theo các bác sĩ, ĐTĐ typ 2 xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (là hormone có vai trò giúp vận chuyển đường từ máu vào trong tế bào tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động), hoặc có đủ insulin nhưng chúng lại hoạt động không hiệu quả hoặc kết hợp cả hai. ĐTĐ typ 2 mắc phải chủ yếu ở người ít vận động thể lực, thừa cân béo phì, chế độ ăn nhiều đường, béo.
Trẻ em cũng mắc đái tháo đường
Theo BV Nội tiết T.Ư, tại VN và các quốc gia người mắc ĐTĐ typ 2 chiếm đến 90% các trường hợp mắc ĐTĐ. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Toàn, 20 - 30 năm trước ca bệnh ĐTĐ typ 2 ở VN tương đối hiếm. Ngoài ra, những người mắc bệnh thuộc typ 2 thường chỉ nằm ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Nhưng những năm gần đây sự trẻ hóa trong các bệnh nhân ĐTĐ đã được ghi nhận trên thế giới và ở VN, thậm chí người bệnh dưới 13 tuổi đang khá phổ biến. “Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ mắc bệnh này do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu kiểm soát, bữa ăn dư năng lượng trong khi hằng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính,…”, BS Toàn nói.
Ở viện thì khỏi, về nhà lại bệnh
Vận động thể lực giúp kiểm soát nguy biến chứng do ĐTĐ
Vận động thể lực giúp kiểm soát nguy biến chứng do ĐTĐ
Là một trong nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ nặng đang điều trị tại BV Nội tiết Trung ương, bà N.T.X (76 tuổi) ở Q. Hoàng Mai, TP.Hà Nội bị ĐTĐ 18 năm qua. Do thói quen ăn uống chưa khoa học và cũng không tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ tại bệnh viện khiến cho xảy ra tình trạng “Ở BV thì bệnh đỡ nhưng khi về nhà bệnh càng nặng thêm”.
“Khi vào viện được ăn uống, điều trị, tiêm đúng theo quy định tôi thấy bệnh có thuyên giảm hơn rất nhiều. Lúc vào viện đường huyết của tôi là 15, sau khi điều trị tại BV đã xuống 5. Nhưng về nhà do quen ăn uống quen như cũ, không kiểm soát được như bác sĩ hướng dẫn nên đường huyết của tôi tăng cao, lại vào viện điều trị”, bệnh nhân X. kể. Bà X. cũng lo lắng: “Đường huyết không điều chỉnh được nên của tôi bị ảnh hưởng xấu đến mắt, tim, thận, phổi”.
Tương tự, bệnh nhân nữ N.T.M (68 tuổi, ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) cho biết: “Tôi bệnh 15 năm và gần đây phải nhập viện nhiều hơn do đường huyết tăng cao. Lúc ở BV tôi ăn theo chế độ nên bệnh giảm nhiều. Nhưng về nhà chỉ được vài tháng đầu là tôi thực hiện ăn uống theo chế độ bệnh, sau đó cứ đến bữa là lại ăn... thả ga, rất khó theo lời khuyên của bác sĩ nên bệnh không khỏi mà còn nặng hơn”.
“Người bệnh ngoài việc phải điều trị bằng thuốc theo chỉ định người bệnh cần tránh ăn nhiều những thức ăn có tinh bột hay thực phẩm có lượng đường cao. Cần tuân thủ lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giữ lượng đường huyết ổn định”, bác sĩ Toàn khuyên.
ĐTĐ làm tăng biến chứng bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cao gấp 2 - 4 lần so với người không mắc bệnh ĐTĐ; nhìn chung những người mắc ĐTĐ có tuổi thọ giảm đi 6 - 10 năm so với người không mắc. Kiểm soát nguy cơ biến chứng do ĐTĐ và đường huyết tăng cao không quá khó nếu mỗi người có ý thức ăn uống lành mạnh và vận động thể lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.