Giá tăng, người nghèo càng nghèo thêm

Mai Phương
Mai Phương
26/08/2022 06:25 GMT+7

Bún, bánh mì, phở… tăng giá so với đầu năm nay và chưa hạ nhiệt dù giá xăng dầu đã có 5 lần giảm liên tiếp và về mức cuối tháng 10.2021.

Chỉ tăng mà không giảm

Sáng cuối tuần qua, chị Ngọc (ngụ Q.7, TP.HCM) chạy ra chợ mua bún để về nhà ăn bữa trưa thì giá vẫn giữ nguyên 15.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng so với cuối năm trước (tương đương tăng 25%). Ổ bánh mì nhỏ trước đây vẫn thường mua giá 3.000 đồng thì đầu năm nay đã tăng vọt lên 5.000 đồng và nay vẫn ở giữ mức này. Tương tự, tô bún bò gần nhà trước đây 35.000 đồng và mấy tháng qua đã lên 45.000 - 50.000 đồng...

Không chỉ hàng hóa, nhiều dịch vụ thiết yếu hằng ngày cũng lên rồi đứng luôn ở mức cao. Anh Hòa (ngụ Q.1, TP.HCM) cho biết, cắt tóc bình dân trước khi có dịch xảy ra thì chỉ 40.000 đồng/lần, sau đó tăng lên 50.000 đồng/lần và nay lên hẳn 70.000 đồng.

“Cắt tóc, sửa xe hay hàng quán ăn uống nhiều nơi đều vậy. Từ đầu năm đến nay tất cả đều đã tăng giá so với trước dịch Covid-19. Hầu như chỗ nào đã tăng rồi thì thấy không bao giờ giảm xuống mà chỉ giữ nguyên đó một thời gian rồi lại sẽ tăng tiếp”, anh Hòa chia sẻ thêm. Theo khảo sát, hiện có một số mặt hàng đã giảm nhẹ như thịt heo giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg, dầu ăn giảm 4.000 - 5.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn so với cuối năm 2021 dù giá xăng dầu sau 5 lần giảm liên tiếp đã về ngang mức giá cuối tháng 10.2021.

Giá nhiều mặt hàng tăng cao khiến người lao động phải thắt lưng buộc bụng

Ngọc Dương

Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân của người dân Việt Nam trong năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,205 triệu đồng/người/tháng, giảm 1,1% so với năm 2020. Riêng khu vực nông thôn thì thu nhập chỉ đạt gần 3,5 triệu đồng/người/tháng và ở thành thị là gần 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Tổng cục Thống kê nhận định: Trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên sau 2019, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập có xu hướng giảm dần. Tốc độ giảm thu nhập ở khu vực thành thị nhiều hơn so với khu vực nông thôn. So với năm 2020, thu nhập bình quân/người/tháng năm 2021 ở khu vực thành thị giảm 3,6%, trong khi thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn không thay đổi đáng kể. Thu nhập sút giảm trong khi giá hàng hóa tăng khiến nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng khi chi tiền mua thức ăn, đóng tiền học, mua thuốc nếu đau ốm…

CPI thấp, sao giá hàng hóa cao?

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định giá hàng hóa hiện nay đã xác lập một mặt bằng cao mới so với đầu năm sau nhiều đợt tăng liên tiếp do các chi phí đầu vào từ nguyên vật liệu, nhân công đến xăng dầu. Trong đó, có nhiều mặt hàng giá cao quá vô lý. Ông ví dụ, thịt heo có giá 70.000 đồng/kg thịt hơi thì giá bán lẻ thịt tươi chỉ khoảng 130.000 đồng/kg là đã có lãi. Thế nhưng, hiện ở chợ vẫn bán 150.000 - 170.000 đồng/kg; tại siêu thị có nơi lên 200.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, bưởi Diễn xuất phát từ vùng trồng không xa chỉ 20.000 - 30.000 đồng/trái nhưng ra đến các chợ lẻ ở Hà Nội có giá đến 60.000 - 70.000 đồng/trái.

Câu hỏi đặt ra là, sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp nhưng người dân vẫn cảm nhận giá cả hàng hóa, dịch vụ cao. Ông Phú phân tích rổ hàng hóa trong danh mục tính CPI bao gồm 752 mặt hàng nhưng vẫn chưa đại diện được cho nhiều sản phẩm thiết yếu của người tiêu dùng. Ước tính, một chợ truyền thống có khoảng 2.000 mặt hàng còn trong các siêu thị lên đến 24.000 - 30.000 mặt hàng phục vụ cho nhu cầu đời sống người dân. Đó là chưa kể trọng số của các nhóm hàng trong rổ CPI cũng cần được xem xét lại. Chẳng hạn, giá xăng dầu cứ tăng 10% chỉ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm, nhưng đây lại là chi phí đẩy hàng loạt mặt hàng khác lên giá rất cao. Ngoài ra, việc lấy giá hàng hóa ở các chợ cũng có thể sẽ chưa phù hợp vì tùy thuộc vào từng thời điểm khi giá bán của tiểu thương thuộc loại “sáng nắng chiều mưa”. Vì thế, cần phải xem xét, mở rộng và thay đổi danh mục hàng hóa để tính CPI cho phù hợp diễn biến của kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, để kiểm soát giá cả hàng hóa, không để lạm phát làm khổ người lao động, Chính phủ vẫn phải tiếp tục đẩy nhanh việc kiểm soát giá xăng dầu, nhanh chóng giảm giá mặt hàng thiết yếu này để thúc đẩy các doanh nghiệp kéo giảm giá bán sản phẩm ra thị trường.

“Từ đầu tháng 7 đến nay khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, cơ quan điều hành giá xăng dầu đã trích quỹ bình ổn giá khoảng 3.500 - 3.600 đồng. Nếu không trích quỹ bình ổn thì xăng đã giảm về khoảng 20.000 đồng/lít. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn bởi hiện người dân và doanh nghiệp vẫn ngóng chờ và lo sợ giá xăng dầu có khi tăng trở lại. Người dân mỗi lần đi chợ là xót ruột. Trong thời kỳ lạm phát có rất nhiều gia đình muốn đủ ăn thì không đủ mặc. Giá tăng đã khiến người nghèo càng nghèo thêm. Tiền ít mà giá hàng hóa cao thì sức mua giảm. Từ đó sản xuất cũng sụt mạnh và doanh nghiệp càng khó khăn, kinh tế cả nước khó phát triển mạnh như mong muốn”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Nhà nước phải xem xét nhanh chóng giảm thuế giá trị gia tăng cho xăng dầu như các hàng hóa đã được giảm từ 10% về 8% kể từ đầu năm nay. Song song đó, giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu như kiến nghị nhiều lần để giúp ổn định hạ nhiệt hàng hóa, kiềm chế lạm phát trong năm nay.

TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.