Gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, các mầm bệnh mới

Liên Châu
Liên Châu
14/09/2024 19:23 GMT+7

Di chuyển quốc tế ngày càng tăng sự bùng phát của những bệnh dịch cùng với sự xuất hiện của các mầm bệnh mới và tác nhân vi sinh vật kháng kháng sinh. Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện giúp ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, kiểm soát các nguy cơ kháng thuốc.

Nhiễm khuẩn liên quan chăm sóc y tế

Hội nghị khoa học lần thứ 2, năm 2024 được Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam tổ chức hôm nay 14.9, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay trong bối cảnh toàn cầu hóa và di chuyển quốc tế ngày càng tăng, sự bùng phát của những bệnh dịch cùng với sự xuất hiện của các mầm bệnh mới và tác nhân vi sinh vật kháng kháng sinh không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội.

Gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, các mầm bệnh mới- Ảnh 1.

Bệnh viện Chợ Rẫy đẩy mạnh vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ông Khoa chia sẻ, chúng ta đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua. Hội nghị lần này sẽ cập nhật thêm bằng chứng khoa học hỗ trợ cho kiểm soát nhiễm khuẩn ngày một tốt hơn, mang lại an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

PGS - TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, lưu ý: "Trong bệnh viện, một trong những nhiệm vụ quan trọng của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn là giám sát việc tuân thủ thực hiện các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt sẽ gây ra những nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế. Bệnh nhân sẽ phải dùng kháng sinh dài ngày để điều trị nhiễm khuẩn này. Càng dùng kháng sinh thì lại càng làm tăng nguy cơ đề kháng".

Tuy nhiên, bà Thư cũng cho rằng, hiện đầu tư cho kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn còn chưa đầy đủ. Còn thiếu trang thiết bị để đảm bảo cho việc xử lý dụng cụ tốt. Cơ sở hạ tầng bệnh viện chưa đạt các yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn, ví dụ các phòng hồi sức chưa có thông khí sạch cung cấp chủ động. Các vật tư tiêu hao đảm bảo các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu.

Cảnh báo bệnh dịch

Tại hội nghị, tiến sĩ - bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng phòng Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi T.Ư), chia sẻ kinh nghiệm và nhấn mạnh vai trò kiểm soát nhiễm khuẩn với việc giám sát các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch trong bệnh viện.

Bệnh viện Nhi T.Ư đã xây dựng danh mục bệnh truyền nhiễm cần giám sát trong bệnh viện; nguyên tắc ứng phó. Giám sát này giúp phát hiện sớm, đánh giá khuynh hướng và ứng phó (chuẩn bị điều kiện nhân lực, phương tiện vật tư...), chia sẻ thông tin, đảm bảo an toàn trong bệnh viện.

Các năm gần đây, bệnh viện đã có các khuyến cáo về xu hướng dịch bệnh gia tăng ở trẻ nhỏ như bệnh do Adenovirus và một số bệnh truyền nhiễm khác, giúp ngành y tế và cộng đồng có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, điều trị sớm.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, cho rằng giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện là thực hành phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn quan trọng.

Giám sát không chỉ giúp xác định tỷ suất tỷ lệ tử vong, các yếu tố nguy cơ vi khuẩn kháng kháng sinh do nhiễm khuẩn bệnh viện mà còn giúp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đánh giá đúng thực trạng kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phát hiện sớm các vụ dịch nhiễm khuẩn bệnh viện và các lỗ hổng trong kiểm soát nhiễm khuẩn; đánh giá hiệu quả các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và cung cấp bằng chứng để đề xuất các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện phù hợp và hiệu quả.

Theo bà Hà, các dữ liệu giám sát để hành động theo tinh thần cải thiện an toàn và chất lượng điều trị, chứ không phải để trừng phạt.

Hội nghị khoa học Kiểm soát nhiễm khuẩn 2024 có 45 báo cáo khoa học cập nhật các khuynh hướng mới trong kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên sâu; cập nhật những nghiên cứu, những kinh nghiệm trong thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn, qua đó tăng cường chất lượng trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Tại hội nghị, Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam trao giải Trung tâm tiệt khuẩn xuất sắc (CSSD), gồm 7 tiêu chí, để khuyến khích các bệnh viện cải tiến chất lượng điều trị cho người bệnh, giảm thiểu các lây nhiễm chéo, bùng phát dịch bệnh trong cơ sở y tế, và nguy cơ kháng thuốc.

Giải thưởng CSSD xuất sắc nhất 2024 thuộc về Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM.

Ban tổ chức trao các giải thưởng CSSD quản lý dụng cụ tập trung xuất sắc cho Bệnh viện đa khoa Phương Nam, TP.HCM.

- CSSD có cơ sở hạ tầng xuất sắc: Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

- CSSD có quy trình giám sát chất lượng xuất sắc: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

- CSSD sử dụng trang thiết bị xuất sắc: Bệnh viện Chợ Rẫy (Bộ Y tế) TP.HCM.

- CSSD có quy trình xử lý dụng cụ xuất sắc: Bệnh viện Gia An 115, TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.