EVN vừa phát đi thông tin về chi phí mua điện năm 2021. Theo đó, tập đoàn này cho biết, trong tháng 7 và 20 ngày đầu tháng 8, giá nhiên liệu đầu vào mà EVN thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm, đặc biệt là giá than, khiến chi phí mua điện của EVN năm 2021 tăng tới 16.600 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
EVN dẫn chứng, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6, tăng 51,8% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm, và tăng 250% so với số liệu bình quân thực hiện năm 2020 (tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm lên đến 150 USD/tấn bình quân tháng 7 và 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8).
Trong khi đó, giá dầu HFSO bình quân tháng 7 tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm và tăng 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.
Theo số liệu vận hành hệ thống điện quốc gia, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả các loại hình nguồn phát. Do đó, EVN cho biết, các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường.
“Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì chi phí mua điện của EVN năm 2021 tăng tới 16.600 tỉ đồng”, báo cáo của EVN nêu.
Tập đoàn này cho rằng, đến thời điểm hiện nay, diễn biến giá nhiên liệu thế giới cho thấy, xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, tăng cao trong tháng 7, tháng 8 và khó dự báo diễn biến giá nhiên liệu trong các tháng cuối năm 2021.
Cùng với đó, tình hình diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện ở phía bắc đến nay không thuận lợi, khi mà hiện đã là cuối tháng 8 (thời điểm cuối mùa lũ chính vụ) nhưng vẫn chưa có dấu hiệu lũ về các hồ thủy điện. Do vậy, tình hình tài chính của EVN cả năm 2021 được nhận định sẽ có rất nhiều khó khăn.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong hôm nay, Văn phòng Chính phủ phát đi ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá hồi giữa tháng này, đã yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án giá điện năm 2021.
Dù vậy, tại thông báo này, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành “về cơ bản cần giữ ổn định giá các loại hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá" để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Bình luận (0)