Nguồn cung thiếu hụt
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giá thịt heo hơi xuất chuồng từ đầu năm 2024 đến nay tăng nhanh trên cả nước so với thời điểm cuối năm 2023. Tính bình quân tháng 1, giá heo hơi đạt 53.000 đồng/kg. Trong tháng 2, giá heo hơi tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg và tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3, với mức trung bình tháng đạt 58.100 đồng/kg. Sang đến những ngày đầu tháng 4, giá heo hơi vẫn duy trì được mức giá ổn định, dao động từ 58.000 - 62.000 đồng/kg. So với giá heo xuất chuồng của nhiều nước trong khu vực châu Á và trên thế giới, giá heo của VN tương đối cao, đặc biệt nếu so sánh với Thái Lan hay Trung Quốc thì giá heo VN đang chênh lệch từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường của Công ty Chăn nuôi C.P VN, nhận định: "Đúng là từ đầu năm đến nay giá heo xuất chuồng đang tăng khá cao, chênh lệch lớn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu nhìn lại mấy năm nay thì ngành chăn nuôi thua lỗ nặng nề, đặc biệt đợt dịch tả heo châu Phi vào năm trước khiến đàn heo giảm mạnh, tất cả các công ty chăn nuôi đều gặp khó khăn chứ không riêng gì hộ nhỏ lẻ. Chính vì chăn nuôi chưa được hồi phục nên từ đầu năm đến nay nguồn cung bị thiếu cục bộ. Bên cạnh đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn khá cao nên chưa kéo giảm được giá thành. Ngoài ra, Chính phủ hiện đang chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới, điều này giúp cho thị trường nội địa ổn định hơn".
Giá thịt heo Việt Nam cao nhất châu Á
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ: "Liên tiếp mấy năm gần đây ngành chăn nuôi cả nước thua lỗ nặng nề, nhiều người phải phá sản, bỏ nghề, các công ty lớn cũng thua lỗ. Đến lúc này những người chăn nuôi đều không mạnh dạn tái đàn, dẫn đến nguồn cung trong nước không tăng mạnh, nhưng cũng vừa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, nếu có thiếu cũng không đáng kể. Giá heo trong nước ở mức tương đối cao hiện nay cũng nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ với các giải pháp như kiểm soát heo sống nhập lậu qua biên giới, tăng cường rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu phụ phẩm chăn nuôi, các sản phẩm đông lạnh cận "date", từ đó giúp cho người chăn nuôi trong nước giảm bớt áp lực cạnh tranh".
Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, với giá bán như hiện tại, nhìn chung người chăn nuôi đang có lãi từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi cũng chưa mặn mà lắm với việc tái đàn, mở rộng sản xuất. Kết quả khảo sát xu hướng chăn nuôi của gần 26.200 hộ nuôi heo trên toàn quốc cho thấy chỉ có 2,30% số hộ dự kiến mở rộng sản xuất; 87,31% số hộ dự kiến ổn định sản xuất trong thời gian tới; 7,54% số hộ thu hẹp sản xuất và đặc biệt có 2,85% số hộ cho biết sẽ không nuôi heo nữa.
Thấu hiểu nỗi khổ người chăn nuôi
Ông Lê Xuân Huy nhận xét với mức giá chênh lệch hiện nay lên đến trên 10.000 đồng/kg, khả năng heo sống từ các nước tràn vào rất lớn. Nếu như lúc trước thì lượng heo nhập khẩu có thể lên đến 6.000 con/ngày đêm, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 3.500 con lén lút nhập vào. Nhiều cửa khẩu khu vực ĐBSCL, Bình Phước đã kiểm soát được việc nhập lậu heo sống, góp phần ổn định thị trường nội địa.
Tại cuộc họp giao ban mới đây khối ngành chăn nuôi của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết thực tế thời gian qua, cơ quan quản lý đã làm chặt một số quy định liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đơn cử như năm 2023 Cục đã ban hành 145 văn bản gửi 58 quốc gia liên quan đến việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào VN, yêu cầu rà soát một cách toàn diện tất cả những mặt hàng nhạy cảm, phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ban hành 120 văn bản gửi 50 quốc gia để thông báo những yêu cầu khi nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đông lạnh. Cục Thú y dự kiến năm nay cũng sẽ thanh tra hàng chục doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật để chấn chỉnh tình trạng nhập về các loại thịt "rác", phế phẩm hoặc hàng cận date từ nước khác.
Trao đổi với Thanh Niên, ông L.T.P, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực chăn nuôi, nhấn mạnh: "Trong vài năm nay VN và các nước lân cận đang phát triển các dự án chăn nuôi quá nhanh chóng, dẫn đến nguồn cung gia tăng. Diễn biến kinh tế khó khăn, dịch bệnh kéo dài và tiêu thụ giảm sút là điều nằm ngoài dự kiến của họ. Chính vì vậy thời gian qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu đàn heo sống từ Thái Lan, Campuchia đưa về VN để giảm sức ép tồn đọng. Điều này không những gây tác động đến ngành chăn nuôi nội địa mà còn gây ra mầm bệnh, làm lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc siết chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn gia súc, gia cầm là cần thiết, thấu hiểu được nỗi khổ của người chăn nuôi trong nước. Mặt khác, cần để cho những doanh nghiệp hay chủ dự án ở nước đó đánh giá lại hiệu quả kinh tế, từ đó điều chỉnh sản lượng cho phù hợp".
Còn theo ông Nguyễn Kim Đoán, VN hiện đã mở cửa với thế giới nhưng cần sớm có các hàng rào kỹ thuật, chính sách thương mại để kiểm soát hàng nhập chính ngạch và có biện pháp ngăn hàng lậu nhập tràn lan. Nếu không có biện pháp kịp thời và quyết liệt, các hiệp hội trong ngành chăn nuôi nhận định, chỉ 3 - 5 năm tới khi các dòng thuế quan của các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0%, VN sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Đối với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Kim Đoán nhận định: "Theo quy luật thị trường, khi giá cả chênh lệch ở một mức độ nào đó phù hợp thì sẽ có tình trạng buôn bán qua biên giới để kiếm lợi. Giá heo hơi Trung Quốc hiện nay đang khá thấp so với giá heo VN, nếu ở các năm trước chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng vận chuyển tiểu ngạch. Nhưng gần đây Trung Quốc đã kiểm soát chặt, xây tường rào ở biên giới nên việc buôn lậu gần như không thực hiện được. Hiện nay Bộ NN-PTNT đang triển khai xây vùng an toàn dịch bệnh để tiến tới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đây là hướng đi mới giúp cho ngành chăn nuôi tuân thủ tốt các quy định và minh bạch hơn".
Về đề án xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tiến tới xuất khẩu sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Yêu cầu bắt buộc của phía Trung Quốc là cần có hệ thống thú y để kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Vì vậy ngành chăn nuôi cần khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp có tiềm năng, tiên phong cần tìm các đối tác Trung Quốc và nước nhập khẩu để hợp tác xây dựng chuỗi, đàm phán xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật đồng thời xây dựng hồ sơ để đánh giá, công nhận vùng an toàn dịch bệnh cung cấp cho đối tác nhập khẩu.
Bình luận (0)