Giá thịt lợn neo cao bất chấp giá lợn hơi lao dốc

12/04/2023 07:02 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục ở mức thấp, người chăn nuôi buộc phải chấp nhận cảnh giá bán dưới giá thành sản xuất. Tuy nhiên, trái ngược với câu chuyện ảm đạm đó, giá thịt lợn tại các chợ và siêu thị lại tiếp tục neo cao.

Người bán tự cân đối giá khi nhập hàng

Khảo sát nhanh trong ngày 11.4, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc dao động khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg. Theo đại diện nhiều trang trại chăn nuôi lợn, với mức giá này người chăn nuôi phải bù thêm khoảng 10.000 đồng/kg mới cập giá thành sản xuất.

Giá thịt lợn neo cao bất chấp giá lợn hơi lao dốc - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý để bình ổn giá thịt lợn

THẢO VÂN

Tuy nhiên, đáng chú ý là, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng hiện vẫn ở mức cao, không cùng xu thế giảm giá lợn hơi.

Theo khảo sát trong các ngày 10 - 11.4, tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như: chợ Cống Vị (Q.Ba Đình), chợ Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy), chợ Làng Vòng (Q.Cầu Giấy), chợ cóc trên đường Hoàng Quốc Việt (Q.Bắc Từ Liêm)…, giá thịt lợn dao động từ 90.000 - 140.000 đồng/kg, tùy loại. Trong đó, thịt ba chỉ, sườn non có giá cao nhất, từ 110.000 - 140.000 đồng/kg.

Tại siêu thị Big C Thăng Long (Q.Cầu Giấy), giá thịt lợn phổ biến trong khoảng 130.000 - 180.000 đồng/kg, tùy loại. Trong đó, thịt ba chỉ, thịt thăn có giá từ 135.000 - 153.000 đồng/kg; thịt nạc vai khoảng 160.000 đồng/kg.

Tại hệ thống siêu thị WinMart ngày 11.4, giá thịt lợn mát Meat Deli được bán trong khoảng 91.922 - 147.922 đồng/kg; trong đó các loại đang được giảm giá 20% theo chương trình ưu đãi dành cho hội viên của WinMart. Thịt ba chỉ có giá cao nhất là 147.922 đồng/kg.

Giải thích về việc giữ giá bán thịt lợn, chị Vũ Quỳnh Nga, tiểu thương bán thịt tại chợ Cống Vị, chia sẻ: "Chi phí vận chuyển, thuê cửa hàng vẫn thế, thậm chí tăng lên nên giá thịt khó có thể điều chỉnh giảm".

Theo chị Nguyễn Thị Vân, tiểu thương tại chợ cóc trên đường Hoàng Quốc Việt, hiện không có quy định nào cho giá thịt bán lẻ nên giá cả là do người bán tự cân đối khi nhập hàng, sau đó tự thỏa thuận với nhau, khách hàng thuận mua, vừa bán.

Chuyển động kinh tế ngày 12.4: Mở đường cho nông sản Việt sang Israel | Trung Quốc chạy đua cạnh tranh ChatGPT

"Khâu trung gian ăn lãi quá nhiều"

Nghịch lý giá lợn hơi lao dốc, giá bán lẻ vẫn neo cao khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, bức xúc.

Nắm được thông tin giá lợn hơi đã giảm mạnh trong gần một tháng qua nhưng mỗi ngày đi chợ, chị Hoàng Hà (trú P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy) vẫn phải mua thịt với giá cao hoặc có giảm nhưng không nhiều và nhỏ giọt. "Khi giá lợn hơi tăng, chợ và siêu thị đồng loạt tăng giá bán thịt nhưng khi giá lợn hơi hạ thì có đủ lý do để giá thịt lợn không giảm tương ứng. Khi chúng tôi đi chợ, hỏi người bán thì cũng chỉ nhận được câu trả lời là do giá nhập vào vẫn cao", chị Hà nói.

Bà Nguyễn Tuyết Lan (trú phố Nguyễn Thị Định, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy) thường xuyên sử dụng các mặt hàng thực phẩm tại siêu thị vì quan tâm đến vấn đề sức khỏe. "Giá trong siêu thị bao giờ cũng nhỉnh hơn bên ngoài, nhưng vì ưu tiên đảm bảo chất lượng nên tôi vẫn chấp nhận. Thời gian này, dù thường xuyên có khuyến mãi từ 10 - 15% nhưng tôi vẫn thấy giá thịt cao, trong khi giá lợn hơi liên tục giảm; đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý để bình ổn giá, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng".

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ công tác lâu năm trong ngành chăn nuôi chia sẻ: "Chênh lệch giá là điều dở nhất của thị trường nông sản Việt Nam, chưa kiểm soát được. Xưa nay, trong lúc giá nông sản nói chung, trong đó có giá thịt lợn, giá trứng, giá thịt gia cầm… người nông dân bán rất rẻ nhưng đến tay người tiêu dùng giá lại không rẻ bao nhiêu".

Câu hỏi đặt ra là toàn bộ lãi trung gian chạy vào đâu? Theo tìm hiểu, vừa qua, ngành chăn nuôi đã tiến hành 2 - 3 điều tra nhỏ xung quanh câu chuyện này. Kết quả được vị cán bộ nêu trên cho biết: "Toàn bộ lợi nhuận chạy hết vào khâu giết mổ và bán lẻ. Đây là vấn đề lớn nhất chưa thể kiểm soát được, gây ảnh hưởng nhiều đến người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng".

Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, giá lợn hơi đến thịt lợn thành phẩm chênh lệch cao, nguyên nhân quan trọng là bởi khâu chế biến và tiêu thụ thịt lợn chưa được tổ chức hệ thống. Vị chuyên gia này cũng khẳng định: "Các khâu trung gian ăn lãi quá nhiều trong suốt quá trình này".

Hiện nay, Bộ NN và PTNT đang chủ động góp phần kiểm soát giá lợn bằng cách nỗ lực kiểm soát sản lượng so với nhu cầu. Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy thì bày tỏ quan điểm, Nhà nước cần có chính sách giảm bớt khâu trung gian, hạn chế nhập khẩu thịt lợn mát để đảm bảo cho người nuôi có lãi và người tiêu dùng được hưởng nguồn thực phẩm thiết yếu theo đúng giá trị thật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.