Giả thuyết mới về thủy quái Loch Ness

12/07/2013 03:10 GMT+7

Có vẻ như câu chuyện về thủy quái hồ Loch Ness cuối cùng cũng có manh mối, sau nhiều năm nỗ lực không thành của giới khoa học.

Huyền thoại về quái vật hồ Loch Ness tồn tại suốt hơn 200 năm qua, và luôn là bí ẩn bất chấp sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ. Ngược lại nữa là đằng khác, trên thực tế, công nghệ cao còn góp phần khuấy động làn sóng tin đồn tại hồ Loch Ness. Ví dụ, vào năm 2011, một hoa tiêu địa phương tên Marcus Atkinson đã đưa ra hình ảnh chụp bằng sóng định vị, mà theo ông mô tả là một vật thể lớn bám theo chiếc tàu của ông trong vòng vài phút ở độ sâu 23 m. Đến năm 2012, ông George Edwards chia sẻ một hình ảnh bí ẩn trên hồ Loch Ness trong khi những người hoài nghi cho rằng đó chỉ là một súc gỗ nổi trên mặt nước mà thôi.

Vấn đề ở đây là, sự tồn tại của một sinh vật biển thời tiền sử, như nhiều lời đồn đãi là đang cố thủ bên dưới vùng hồ sâu thẳm xứ Scotland, có thể giải thích được bằng lý luận khoa học hay không? Theo truyền thuyết, quái vật hồ Loch Ness thường xuất hiện cùng với những cơn địa chấn, và mặt hồ nổi lên những bong bóng nước. Dựa trên thông tin này, mới đây một chuyên gia đưa ra giả thuyết thú vị cho rằng tình trạng rung lắc mặt đất kèm bong bóng trên không phải là dấu hiệu của thủy quái, mà xuất phát từ một đứt gãy đang hoạt động bên dưới hồ Loch Ness và các hồ lân cận. Tạp chí Scientific American dẫn lời nhà địa chất học Luigi Piccardi người Ý đã đổ lỗi cho hệ thống đứt gãy Great Glen là nguyên nhân tạo nên huyền thoại hồ Loch Ness lâu nay.

Đứt gãy Great Glen kéo dài hơn 100 km và cắt cao nguyên Scotland thành 2 phần bắc - nam. Nó cũng được cho là nguyên nhân chính tạo ra Loch Ness, hồ nước ngọt sâu nhất của Vương quốc Anh. Trong vài thế kỷ qua, đứt gãy này cũng sản sinh vài cơn địa chấn nhẹ, dao động từ 3 đến 4 độ Richter. Các trận động đất được ghi nhận lần lượt vào năm 1816, 1888, 1890 và 1901. Trả lời phỏng vấn trên tờ La Repubblica, chuyên gia Piccardi dẫn chứng: “Chúng ta biết rằng đứt gãy gia tăng hoạt động trong giai đoạn 1920-1930. Trên thực tế, các nhân chứng đã thấy ảnh hưởng của các cơn địa chấn trên mặt nước vào thời đó”.

Lần đầu tiên  thủy quái hồ Loch Ness đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế vào những năm 1930, khi một nhà phẫu thuật tên Kenneth Wilson ở London đã công bố bức ảnh chấn động cho thấy hình thù một sinh vật có cái đầu hình rắn kèm theo phần cổ dài. Tuy nhiên, những thập niên sau, chứng cứ cho thấy đây là bức hình giả mạo. Bất chấp những cuộc săn lùng kéo dài nhiều năm, vận dụng đủ loại thiết bị từ máy quay cài vào cá heo, đến tàu ngầm mini, không có chứng cứ nào cho thấy cho sự tồn tại của “Nessie” - tên thân mật của thủy quái hồ Loch Ness. Thậm chí nhóm điều tra do Đài BBC cử đi cũng đành về tay không, sau khi rà soát khu hồ bằng chùm sóng siêu âm định vị và chụp ảnh từ vệ tinh.

Tất nhiên, hướng tiếp cận của chuyên gia người Ý vẫn chỉ dừng ở giả thuyết và còn lâu mới được kiểm chứng. Trong khi chờ được xác nhận, huyền thoại về quái thú hồ Loch Ness được dự đoán vẫn còn tiếp tục là đề tài bàn tán xôn xao của dư luận trong những năm tới. Dù sao chăng nữa, cộng đồng người hâm mộ Nessie cũng không dễ dàng phủ nhận sự tồn tại của con thủy quái từng làm mưa làm gió trong truyền thuyết của xứ sở sương mù.

Lần xuất hiện đầu tiên

Trước khi gây danh tiếng như cồn vào thập niên 1930, Nessie từng có sự xuất hiện ngoạn mục cách đó nhiều thế kỷ. Người đầu tiên lan truyền huyền thoại thủy quái này được xác định là Thánh Columba, nhà truyền giáo Ireland có công truyền bá đạo Cơ đốc tại Scotland. Theo lịch sử, ngài đã đến Scotland và từng chạm trán với quái vật này khi lội ngang sông Ness cùng với một môn đệ vào năm 690. Sử sách ghi lại Thánh Columba cho hay con quái vật đã xuất hiện và biến mất khi mặt đất rung chuyển.

Hạo Nhiên

>> Phát hiện sinh vật mới gần hồ Loch Ness
>> “Thủy quái” trên sông Mê Kông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.