Giáp tết, có những người bỏ ra trăm triệu mua cây phong lan nghìn bông, cây quất nghìn quả để… biếu tặng. Cũng có rất nhiều người chỉ mua vài chậu vạn thọ chưng trong nhà. Thì vẫn tết. Sang trọng hay nghèo nàn, thì 26 tháng chạp này cứ Lập xuân.
Giáp tết, hoa nở rất ngập ngừng nơi này, còn ở nơi kia, hoa lại nở tưng bừng quá sớm. Cái thời điểm luôn là một câu chuyện: cứ phải đúng thời điểm mới ăn tiền, đúng thời điểm mới tốt. Hoa bán tết thì phải nở đúng tết, người lãnh đạo đất nước muốn tạo nên vận hội mới thì phải chọn đúng thời cơ để có quyết sách. Và phải nhận ra những chân giá trị. Nhận ra giá trị thực thì mới đánh giá đúng đâu là “đồ thật” còn đâu là “đồ chơi”. Tôi nhớ, cách đây vài thập niên, ra chợ mua cá khoai chỉ là những người nghèo, vì cá khoai khi ấy cực rẻ. Còn bây giờ, ở chợ quê tôi, cá khoai đã “lên ngôi” là một loại cá đắt tiền, bởi canh cá khoai đã vào nhà hàng, đã thành đặc sản. Vẫn con cá khoai ấy thôi, nhưng mỗi thời đánh giá nó một khác. Vì có những giá trị tiềm ẩn, những giá trị không thể nhận ra ngay, mà phải qua thời gian.
Bây giờ, cúng tất niên xóm đã trở thành một phong tục cộng đồng. Cách đây mười năm, có khi nó bị cười chê vì người ta cho là mê tín. Cúng bái thành tâm và khiêm nhường không hề là mê tín. Biết sợ hãi sự trừng phạt, kể cả sự trừng phạt vô hình khi làm điều xấu điều ác, không phải là mê tín. Tôn vinh điều nhân nghĩa càng không phải là mê tín. Cúng xóm cúng làng dịp tết đến xuân về là một tập tục đẹp. Đó là cơ hội kết nối cộng đồng qua “kênh” tinh thần, và qua “kênh” thân ái. Ăn uống với bà con xóm giềng những khi ấy là để quên đi điều chưa phải, là để biểu dương những hành động nhân nghĩa, những “tối lửa tắt đèn có nhau” giữa xóm giềng. Vẫn mâm cơm cúng, vẫn ông thầy cúng ấy, mà xưa nghĩ khác, nay nghĩ khác. Thời thế không chỉ tạo nên anh hùng, thời thế còn tạo nên những nghĩ suy cập nhật với đời sống, những nghĩ suy nhân văn, những hành động nhân ái, và sự bao dung. Chính sự bao dung làm nên một xã hội ổn định. Mà có ổn định mới có phát triển.
Bình luận (0)