Hai vế ấy đã tạo nên thành công và là niềm tự hào của Phú Mỹ Hưng suốt 25 năm qua.
Bước vào tuổi 25 (19.5.1993 - 19.5.2018), tháng 4 vừa qua, Phú Mỹ Hưng đã vinh dự nhận thêm hai danh hiệu "Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất" và "Dự án khu đô thị tốt nhất", bổ sung vào danh sách gần chục giải thưởng trong nước lẫn quốc tế về kiến trúc quy hoạch. Nhưng thành thích về “phần cứng” đó chưa phải là điều mà Phú Mỹ Hưng tự hào nhất trong chặng đường dài xây dựng và phát triển của mình.
Khu đô thị gắn kết con người
Có thể nói, thiết kế và xây dựng một khu đô thị không phải chuyện khó với bất cứ tập đoàn xây dựng nào. Nhưng không phải khu đô thị nào cũng có thể tạo ra cho mình một cộng đồng sinh hoạt văn-thể-mỹ, nơi mỗi người đều biết chia sẻ, đóng góp và tạo giá trị cho nơi mình sinh sống. Nói cách khác, đó là xây dựng một cộng đồng gắn bó và đoàn kết với nhau.
Trở thành niềm tự hào của thành phố sau 43 năm giải phóng, khu đô thị Phú Mỹ Hưng từ chưa có thành hiện hữu, từ con số không trở mình làm nên một khu đô thị văn minh, đáng sống. Những quy hoạch, thiết kế ở đây ngay từ đầu đã nhắm đến những không gian nhân bản với các công trình quy mô vừa phải ứng điều kiện tạo không khí cộng đồng. Phú Mỹ Hưng đã chọn lọc, không xây dựng đại trà, để cảm giác nơi chốn, khơi gợi kỷ niệm hiện diện ở khắp nơi. Trong cả chục lần được vinh danh, có lẽ nơi đây tự hào nhất với giải “Vì một đô thị quy hoạch xây dựng, quản lý vận hành xuất sắc” mà Viện Đô thị Mỹ trao 6 năm trước. Bởi Phú Mỹ Hưng đã tạo ra các không gian kết nối cộng đồng như khu hồ Bán Nguyệt, các công viên nội khu để cư dân có thể cùng đến thưởng thức, nghỉ ngơi thư giãn và có cơ hội kết nối với nhau, như tâm sự nghe đơn giản nhưng bất ngờ của bác sĩ Ngô Văn Huy sống ở khu Mỹ Văn: “Đạp xe ở đây cũng là gắn kết gia đình”.
Và còn cả những cuộc thi thả diều, vẽ tranh của thiếu nhi, thi mơ ước về một căn nhà của lớp sinh viên kiến trúc, sự hình thành các ngôi trường quốc tế, những cuộc triển lãm thương mại dịch vụ… Giờ đây ở Phú Mỹ Hưng, chu kỳ cả năm là chuỗi sự kiện liên tục quy tụ cả sự hiện diện hữu hình của tập thể quần chúng lẫn vô hình là ý nghĩ cùng sẻ chia của mỗi cư dân như: Hội hoa xuân, Ngày hội hướng về trẻ em, Ngày hội xanh, Chương trình đi bộ từ thiện Lawrence S.Ting… đều có sự tham gia của đông đảo cư dân trong và ngoài khu vực.
Dù là người bản địa hay ngoại quốc, bỏ tiền ra mua hoặc thuê cơ ngơi tại Phú Mỹ Hưng để sinh sống học tập, cư dân không chỉ là chủ nhân của ngôi nhà vật chất, mà là đang thực sự đắm mình trong một môi trường sống được quy hoạch và thực hiện, với mục tiêu chính là dành cho con người, tức là chất lượng sống của một cộng đồng nhân văn gắn kết. Với những công trình kiến trúc hòa quyện môi trường thiên nhiên, từ hạ tầng kỹ thuật đến phục vụ sức khỏe, vui chơi, giải trí, sinh hoạt xã hội, đa dạng nhưng lại mang một “ngôn ngữ chung”, Phú Mỹ Hưng đang làm điều mà ngài Thủ tướng Anh Wilson Churchill đã diễn tả: “Chúng ta dựng nên những thành phố, để rồi sau đó, chúng dựng nên chúng ta”.
Tôn trọng nhau trong sự đồng thuận cao nhất
Bà Lê Thị Hương Hương (Khu phố Sky Garden 3) chia sẻ: “Chồng tôi là người nước ngoài nên tôi có thêm sự lựa chọn ở một nơi sống khác, nhưng tôi thấy ở Phú Mỹ Hưng đã đáp ứng được môi trường sống tốt cho gia đình tôi, đặc biệt là các con tôi nên có cho vàng tôi cũng không đi nơi khác ở”.
Còn với tiến sĩ Phạm Thị Ly - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2020 lại hài lòng rằng: “Ở Phú Mỹ Hưng chúng ta có được niềm vui chan hòa trong giao tiếp với người khác. Chúng ta tôn trọng nhau trong sự đồng thuận”.
Thật vậy, đô thị mới đã trở thành một môi trường đề cao tính hợp tác, trong đó tâm hồn mỗi người được làm giàu bởi sự xuất hiện của những con người khác cũng như khi họ sống trách nhiệm với mẫu văn hóa sẻ chia này. Với những cư dân như Lý Trương Huy, Trần Thanh Minh, Lê Thị Hương Hương, Dương Thị Ninh… trách nhiệm ấy là nhìn nhau mà sống, luôn thấy hàng xóm dễ thương, tôn trọng sự riêng tư và lấy gắn kết cộng đồng làm niềm vui.
Với những người khác, bổn phận ấy có khi rất khiêm tốn, như bán đi ít đồ cũ làm từ thiện, tham gia đóng góp ý kiến để khu phố tốt hơn. Có thấy những thành viên sống ở các chung cư cao ốc như ông Trần Mạnh Dũng hay bà Trần Thị Nguyệt Sương có ý thức thế nào khi đón giao thừa Tết cổ truyền, ta mới thấy tác động tích cực của văn hóa cộng đồng mà Phú Mỹ Hưng gầy dựng. Họ không đốt vàng mã tại căn hộ, thắp nhang cho ông bà chọn loại thật nhỏ và thực hiện nghi lễ tâm linh năm mới chỉ là đơn giản mở toang cửa căn hộ chung cư đón xuân. Lại có những thành viên khu đô thị mới “hít thở” hết mình không khí cộng đồng. Chị Hồ Thị Hồng Yến có con học tại đây, chăm chỉ tham gia tất cả các ngày hội trong năm, đã chia sẻ về ý thức an toàn nơi mình sinh sống khi nhận thức: “Cư dân phải thể hiện vai trò của mình trong công tác phòng cháy chữa cháy”.
Hồn đô thị - một cộng đồng nhân văn và sẻ chia
Tôn trọng trong sự đồng thuận nhìn ở một góc độ cao hơn thì đó chính là sự sẻ chia giữa mọi người với nhau. Yếu tố này quan trọng vì nó góp phần tạo ra một cộng đồng văn minh, một môi trường đáng sống và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Nhưng đâu chỉ là sự sẻ chia về mặt tinh thần, lối sống mà cư dân Phú Mỹ Hưng từ lâu rất chú trọng tới các hoạt động gieo mầm thiện nguyện, một điểm sáng nhân văn, là chất “hồn đô thị” mà không phải nơi nào cũng có thể xây dựng được.
Nói như ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting, hồn phố thị hay tính cộng đồng chính là văn hóa phi vật thể của một địa phương được người dân tạo ra từ hành vi cuộc sống, rồi được vun đắp làm nên niềm tự hào, là động lực để địa phương đó phát triển bền vững.
Quỹ từ thiện Lawrence S. Ting đã có sẵn, chỉ thêm một lời kêu gọi là hồn phố thị ấy liền được từ cư dân, khách hàng đến doanh nghiệp sẻ chia. Giám đốc công ty xe lăn, xe lắc Lê Đức Cường tự hào được đồng hành cùng quỹ để thấy sản phẩm của mình, qua sự đóng góp của những thị dân hảo tâm, trở thành công cụ mưu sinh cho cụ bà khuyết tật Nguyễn Thị Quốc, là đôi chân đến trường cho em Nguyễn Thị Kim Thảo. Quỹ còn truyền cảm hứng lẫn tài trợ cho thầy giáo Nguyễn Hướng Việt sáng tạo và triển khai chương trình “Thiết bị nhúng kết nối kính hiển vi (NVH-CAM)” hỗ trợ kiến thức cho học sinh trung học phổ thông. Đặc biệt quỹ vẫn đều đặn hằng năm trao học bổng khuyến học khuyến tài cho hàng ngàn sinh viên học sinh đều khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, vừa cho các em cơ hội vừa gieo vào lòng các em câu chuyện của những con người biết sẻ chia, đồng cảm và vì cộng đồng.
Rồi để ý nghĩa cộng đồng chia sẻ được thực tiễn và hiện đại hơn, Phú Mỹ Hưng còn phát hành tạp chí nội bộ miễn phí đến từng hộ để tăng độ tương tác với lớp thị dân trí thức, cũng như nghiên cứu tổng hợp các thông tin về khu đô thị, bản đồ, các dịch vụ mua sắm, ẩm thực để thực hiện một phần mềm ứng dụng (app) cho mọi người tải về sử dụng.
Các hoạt động của Phú Mỹ Hưng thực hiện chỉ là “châm lửa”, còn để sức nóng ấy lan tỏa lại là tâm thái chia sẻ của từng cư dân. Cộng đồng sẻ chia không hẳn là vật chất tiền bạc theo hình thức “lá lành đùm lá rách”, mà cái chính là tất cả cùng thấm nhuần chung nét văn hóa mới đậm chất nhân văn.
Phó tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng, ông Vũ Xuân Đức nhấn mạnh: “Tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng là tiền đề nền tảng cho các chương trình hoạt động cụ thể, từng bước xây dựng khu đô thị mới không những xanh, mà còn đẹp như hôm nay”. Khi được hỏi đâu là niềm tự hào nhất nhân dịp kỷ niệm 25 năm khai phá và phát triển, các lãnh đạo của Phú Mỹ Hưng đều nhất trí một điểm: cái hồn của khu đô thị, một cộng đồng sẻ chia!
Bình luận (0)