(TNO) Lại một mùa bóng mới chuẩn bị khai diễn ở Premier League. Và khi bàn về Premier League nói riêng cũng như Bóng đá Anh nói chung, có một giá trị tuy không mới nhưng chẳng bao giờ cũ.
>> Man City tiễn Wolverhampton xuống Championship
>> Ra đời giải U.21 Premier League
>> Cầu thủ Man City giàu to nhờ vô địch Premier League
|
Bóng đá Anh không sản sinh được những ngôi sao lớn, đẳng cấp chuyên môn không quá cao, cũng chẳng phải là nền bóng đá ghê gớm về mặt thành tích. Vậy thì, do đâu mà Premier League luôn là giải Vô địch quốc gia nổi tiếng nhất thế giới, có khả năng kinh doanh lớn nhất thế giới, được giới hâm mộ quan tâm nhiều nhất thế giới?
Người ta đã mổ xẻ Premier League từ hàng chục năm, nhưng đề tài này không bao giờ cũ vì luôn có chi tiết mới được đặt ra mỗi khi Premier League sôi động, cứ như đề tài về Premier League là một nguồn bất tận trong thế giới bóng đá vậy.
“Món chính” kỳ này: cái đuôi của Premier League, tức giải hạng Nhì của Anh với tên gọi chính thức là Championship.
Cách đây vài năm, giới thống kê đưa ra một con số thú vị: Championship là giải vô địch có số lượng khán giả đến sân đứng ở vị trí số 4 tại châu Âu. Cụ thể, số lượng khán giả của giải này chỉ thua giải Premier League của Anh, Bundesliga của Đức, La Liga của Tây Ban Nha, và đứng trên bất kỳ giải Vô địch quốc gia nào khác tại châu Âu! Điều này vẫn không thay đổi trong mùa vừa qua.
Trên bề mặt, người ta khen ngợi Bundesliga, nói rằng đây là giải số 1 châu Âu về số lượng khán giả (chủ yếu vì giá vé rẻ). Nhưng giải hạng Nhì của Đức thì chỉ có số lượng khán giả bằng phân nửa của Championship.
Đấy chính là sức mạnh tổng thể của bóng đá Anh, và xét kỹ thì “cái đuôi” cũng có liên quan đáng kể đến Premier League. So sánh 10 đội ở nửa dưới của Premier League với 10 đội ở nửa trên của Championship, lại thấy thêm một con số kỳ lạ: số lượng khán giả ở đẳng cấp “ngoại hạng” chỉ bằng 80% số lượng khán giả ở giải “hạng Nhì”.
Chỗ tuyệt vời nhất của giới hâm mộ trên quê hương bóng đá là họ không bao giờ quay lưng với “tình yêu” của mình. Đội nhà rớt hạng, họ càng ủng hộ mạnh hơn, chứ chẳng bao giờ đi tìm những đội mạnh hơn để cỗ vũ như cái gọi là “các cổ động viên phong trào”.
Chính vì thế, các đội bóng Anh luôn “sống khỏe”, ít có tình trạng đội bóng đã rớt hạng thì… chết hẳn. Cũng vì vậy mà các đội yếu vẫn luôn tự tin tấn công ào ạt, không sợ thua khi đối đầu với những “đại gia”, từ đó làm cho Premier League có tính giải trí cao nhất thế giới.
Thái độ sợ thua hoặc những mưu toan tiêu cực, nếu có cũng chỉ rất ít, hầu như không có. Và khi xét tổng thể thì Bóng đá Anh luôn có thương hiệu, có khả năng kiếm tiền cao nhất thế giới. Hay ở chỗ ấy?
Nguyễn Minh
Bình luận (0)