Ngày 13.6, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 9 đồng, xuống còn 24.245 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại cũng giảm giá USD 9 đồng, Vietcombank mua vào còn 25.187 - 25.217 đồng, bán ra 25.457 đồng; ACB mua vào 25.220 - 25.260 đồng, bán ra 25.457 đồng… Dù giảm nhưng giá bán USD của các ngân hàng vẫn đang ở mức kịch trần. Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh tăng 30 đồng, mua vào 25.705 đồng, bán ra 25.785 đồng.
Theo Công ty chứng khoán KBSV, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề về dòng ngoại tệ nêu trên và chỉ số USD-Index neo ở vùng cao. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phải bán ngoại tệ trong những đợt tỷ giá biến động mạnh. Về dài hạn, dự báo tỷ giá sẽ duy trì ở mức cao hiện tại cho đến khi các tín hiệu tích cực xuất hiện giúp tỷ giá hạ nhiệt vào cuối năm - thời điểm Cục Dự trữ liên bang (Fed) thực hiện hạ lãi suất. Dự báo tỷ giá tăng 3,5% trong năm 2024, tương ứng đạt 25.120 đồng/USD.
Giá USD trên thị trường quốc tế giảm, chỉ số USD-Index giảm 0,2 điểm, xuống 104,6 điểm. USD giảm sau khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày và quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời đưa ra tuyên bố chính sách kèm theo và tóm tắt các dự báo kinh tế (SEP). Trong cuộc họp báo sau quyết định này, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận lạm phát đã giảm đáng kể nhưng vẫn ở mức quá cao và kỳ vọng cắt giảm lãi suất đã bị đẩy lùi, mục tiêu hạ nhiệt lạm phát xuống mức 2% diễn ra chậm hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, dữ liệu mới công bố cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng ít hơn dự kiến, sau khi các quan chức Fed cập nhật dự báo lãi suất cho thấy khả năng chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng toàn phần (CPI) không đổi trong tháng 5, thấp hơn so với mức tăng dự báo là 0,1%. Giá CPI lõi tăng 0,2%, thấp hơn so với mức dự đoán của các nhà kinh tế là 0,3%.
Công cụ FedWatch của CME Group đưa ra xác suất 63% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9, giảm so với mức 70% trước đó vào ngày 12.6.
Bình luận (0)