Sáng 14.6, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.700 đồng, tăng 1 đồng so với hôm qua. Giá USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì mua vào 23.400 đồng nhưng chiều bán ra đã giảm thêm 2 đồng, xuống còn 24.833 đồng.
Ngược lại, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng. Chẳng hạn Eximbank cộng thêm 10 đồng, đưa giá mua lên 23.270 đồng và bán ra lên 23.650 đồng; Vietcombank tăng 30 đồng khi mua vào lên 23.300 đồng và bán ra lên 23.670 đồng... Riêng USD tự do giữ nguyên giá mua 23.480 đồng nhưng tăng 30 đồng ở chiều bán ra, lên 23.580 đồng.
Giá USD quốc tế đầu ngày giảm nhẹ khi chỉ số USD-Index xuống 103,26 điểm, giảm 0,45 điểm so với hôm qua.
Ngày 13.6, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tại Mỹ được công bố tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng hàng năm chậm nhất kể từ tháng 3.2021. Theo ông David Bahnsen, Giám đốc đầu tư của Bahnsen Group, chỉ số CPI xuống thấp nhất trong hơn hai năm là bằng chứng cho thấy lạm phát đã bị “đánh bại".
Sau báo cáo này, nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp kết thúc vào cuối ngày 14.6 (giờ Mỹ) sau khi ngân hàng trung ương này đã tăng 10 lần liên tiếp. Dự báo mới nhất theo công cụ FedWatch của CME Group là khả năng khoảng 91% Fed sẽ giữ lãi suất ở mức mục tiêu hiện tại là 5 - 5,2%.
Nếu Fed không tăng lãi suất thì động lực hỗ trợ cho đồng bạc xanh đi lên không còn mạnh. Trong khi đó, lạm phát tăng thấp khiến nhà đầu tư lạc quan hơn, giúp các chỉ số chứng khoán trên Phố Wall đóng cửa tăng sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch 13.6, chỉ số Dow Jones tăng 145,79 điểm, tương đương 0,43% lên 34.212,12 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,69% lên 4.369,01 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,83% lên 13.573,32 điểm. Cả hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận mức đỉnh mới kể từ tháng 4.2022.
Bình luận (0)