Ngày 16.2, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 5 đồng, lên 23.636 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá giao dịch giữa các ngân hàng cuối ngày 15.2 tăng thêm 23 đồng, lên 23.623 đồng/USD. Mức giá giao dịch này cao hơn giá mua vào của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước 173 đồng/USD nên tình trạng mua ngoại tệ từ nhà điều hành có thể không còn diễn ra như trước.
Các ngân hàng tăng giá USD thêm 20 - 30 đồng, trong đó chiều mua vào tăng nhanh hơn. Giá mua USD tại Eximbank lên 23.460 - 23.480 đồng, bán ra 23.780 đồng. Vietcombank mua USD với giá 23.420 - 23.450 đồng, bán ra 23.790 đồng… Trong khi đó, giá đô la Mỹ tự do lại giảm nhẹ 5 đồng, xuống còn 23.645 đồng ở chiều mua vào và bán ra 23.695 đồng.
Giá một số ngoại tệ khác trong ngân hàng giảm mạnh. Tại Eximbank, giá bảng Anh giảm 190 đồng, còn 27.971 - 28.055 đồng ở chiều mua vào, bán ra 28.730 đồng; đô la Úc giảm 100 đồng, mua vào còn 15.977 - 16.025 đồng, bán ra 16.427 đồng; euro giảm 110 đồng, còn 24.886 - 24.961 đồng chiều mua vào, bán ra 25.561 đồng…
Giá USD quốc tế tăng trở lại, chỉ số USD-Index thêm 0,27 điểm, lên 103,52 điểm. Văn phòng Thống kê Mỹ thông tin doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần của nước này lần lượt tăng 2,3% và 3% trong tháng 1 sau khi cùng giảm 1,1% ở tháng trước đó. Đây là tháng có mức tăng doanh số bán lẻ cao nhất trong hai năm. Người dân Mỹ tăng nhu cầu mua phương tiện cơ giới và một số loại mặt hàng điện tử khác, bất chấp chi phí vay đang ngày một cao hơn.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của nước Anh vừa công bố lần lượt tăng 10,1% và 5,8% trong tháng đầu năm, thấp hơn mức 10,5% và 6,3% của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức tăng 10,3% và 6,2% theo dự báo. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên 4,5% vào giữa năm 2023.
Bình luận (0)