Ngày 18.3, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 5 đồng/USD, xuống còn 23.199 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giữ giá đồng bạc xanh ở mức cao, như Eximbank mua vào 22.960 – 22.980 đồng/USD và bán ra 23.150 đồng/USD; giá mua vào của Vietcombank ở mức 22.950 – 22.980 đồng/USD và bán ra 23.160 đồng/USD… Trong khi đó, các ngoại tệ khác tăng khá mạnh, chẳng hạn đô la Úc tăng 210 đồng, mua vào lên 17.598 – 17.776 đồng và bán ra 18.333 đồng; đô la Canada tăng 90 đồng, lên 18.164 – 18.347 đồng ở chiều mua vào và bán ra 18.922 đồng; euro tăng 188 đồng, mua vào lên 26.809 – 27.080 đồng và bán ra 28.210 đồng; bảng Anh tăng 150 đồng, lên 31.401 – 31.718 đồng và bán ra 32.712 đồng…
Các ngoại tệ khác trong ngân hàng tăng mạnh do giá USD trên thị trường quốc tế “lao dốc”. Sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Powell, chỉ số USD-Index giảm 0,6 điểm, xuống còn 91,4 điểm. Ông Powell cùng các thành viên của Fed nhìn nhận sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, dự báo lạm phát có thể chạm 2,4% vào cuối năm nay trước khi giảm vào năm 2022. Thế nhưng mức này vẫn chưa đủ để Fed thay đổi lãi suất thấp 0 – 0,25% cho đến năm 2023.
Fed kỳ vọng tăng trưởng GDP Mỹ năm nay là 6,5% trước khi hạ nhiệt trong những năm kế tiếp, theo dự báo kinh tế hàng quý từ các thành viên Uỷ ban thị trường mở liên bang (FOMC). Đây sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng 7,2%, và cao hơn con số 4,2% đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 12.2020. Tăng trưởng GDP năm 2022 và 2023 kỳ vọng đạt 3,3% và 2,2% trước khi về mức 2,3% trong dài hạn. Tỷ lệ thất nghiệp năm nay dự báo là 4,5%, thấp hơn dự báo 5% đưa ra cuối năm ngoái. Thông tin từ Fed đã làm giảm bớt lo ngại về lợi tức trái phiếu.
Các thông tin từ Fed khiến chỉ số chứng khoán tăng mạnh, chẳng hạn Dow Jones tăng 189,42 điểm, tương đương 0,58%, lên mức lịch sử 33.015,37 điểm; S&P 500 tăng 11,41 điểm, tương đương 0,29%, xác lập mức kỷ lục lên 3.974,12 điểm; Nasdaq tăng 53,63 điểm, tương đương 0,4%, lên 13.525,2 điểm.
Bình luận (0)