Sáng 20.6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước chốt là 23.148 đồng/USD, tăng 47 đồng so với cuối tuần qua. Tương tự, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng suốt tuần. Chẳng hạn ngân hàng Vietcombank mua vào 22.880 đồng/USD và bán ra 23.110 đồng/USD, tăng 60 đồng; Eximbank mua vào là 22.900 đồng/USD và bán ra 23.080 đồng/USD, tăng thêm 50 đồng...
Giá USD tự do tiếp tục tăng mạnh lên mức mua vào 23.220 đồng/USD và bán ra 23.320 đồng/USD. So với cuối tuần qua, giá USD tự do tăng 190 đồng ở chiều mua vào và nhảy vọt 240 đồng ở chiều bán ra.
Ngược lại, giá euro tại các ngân hàng trong tuần đồng loạt đi xuống với mức giảm gần 700 đồng/euro. Riêng giá euro tự do giảm khoảng 350 đồng ở chiều mua vào, xuống còn 27.500 đồng/euro và giảm 250 đồng ở chiều bán ra, còn 27.950 đồng/euro.
Giá USD thế giới đã có một tuần tăng mạnh khi chỉ số USD-Index đạt 92,32 điểm, tăng 1,81 điểm so với cuối tuần qua. Các nhà đầu tư tiếp tục mua USD bất chấp chỉ số sản xuất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Philadelphia và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp không như kỳ vọng. Nhu cầu đối với đồng bạc xanh cũng hoàn toàn làm lu mờ các báo cáo kinh tế tốt hơn mong đợi từ Úc và New Zealand. Cụ thể, Úc báo cáo mức tăng việc làm mạnh nhất kể từ tháng 10.2020 với 115.000 người, cao gấp ba lần dự đoán. Nền kinh tế New Zealand tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2021, nhanh hơn 3 lần so với dự đoán... Các báo cáo này lẽ ra phải cực kỳ tích cực đối với AUD và NZD, nhưng chúng là hai đồng tiền tệ bị giảm giá khá so với USD.
Theo các chuyên gia của ngân hàng Commerzbank (Đức), mặc dù chính sách tiền tệ hiện tại vẫn được giữ nguyên nhưng kế hoạch tăng lãi suất vào năm 2023 của Fed đã thúc đẩy đà tăng của đồng bạc xanh. Mặc dù vậy, các nhà phân tích lưu ý sức mạnh của đồng bạc xanh vẫn chưa được đảm bảo. Một số chuyên gia kinh tế dự đoán sức ép của lạm phát sẽ giảm dần sau mùa hè có thể khiến Fed suy nghĩ lại về vấn đề tăng lãi suất và dẫn đến sự suy yếu của đồng bạc xanh.
Bình luận (0)