Giá USD hôm nay 2.10.2022: Tiếp tục tăng cao bỏ xa euro

02/10/2022 08:04 GMT+7

Giá USD ghi nhận một tuần tiếp tục đi lên sau khi các ngân hàng trong nước đồng loạt niêm yết trên 24.000 đồng và càng cách xa euro.

Cuối tuần, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.400 đồng/USD, tăng 76 đồng so với cuối tuần qua. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng vượt 24.000 đồng và liên tục bỏ xa đồng euro. Chẳng hạn, Eximbank mua vào lên 23.710 đồng/USD và bán ra 24.000 đồng, tăng 140 đồng ở chiều mua vào và tăng 170 đồng ở chiều bán ra sau một tuần; Vietcombank đưa giá mua USD lên 23.700 đồng/USD và bán ra 24.010 đồng, tăng thêm 165 đồng...

Trong khi đó, đồng euro tại các ngân hàng thương mại tăng trở lại nhưng vẫn loanh quanh ở mức thấp. Ví dụ ngân hàng Eximbank tăng từ 302 - 358 đồng so với cuối tuần qua, đưa chiều mua lên 23.109 đồng/euro và bán ra 23.742 đồng/euro. Riêng đồng yen Nhật cũng đi xuống như Vietcombank giảm 1,28 - 1,36 đồng sau một tuần với giá mua vào 160,65 đồng/yen và bán ra 170,07 đồng/yen…

Giá USD trên thị trường tự do cũng tiếp đà tăng với mức bán ra 24.200 đồng/USD trong khi bán euro là 23.800 đồng/euro. Đồng USD tiếp tục neo cao hơn euro 400 đồng.

Giá USD đang cao hơn euro 400 đồng

Đào Ngọc thạch

Trên thị trường thế giới, giá USD hạ nhiệt từ đỉnh cao khi chỉ số USD-Index xuống 112,17 điểm, giảm 0,84 điểm so với cuối tuần trước. Đồng euro tăng nhẹ khi quy đổi được 0,9805 USD. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại ING cho rằng, cặp tiền tệ này sẽ đối mặt với mức kháng cự mạnh xung quanh khu vực 0,9850 USD và quay xuống thấp hơn về mức 0,95 và thậm chí vẫn còn áp lực để phá vỡ dưới 0,95 vào cuối năm nay.

Đồng euro được hỗ trợ bởi sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Anh và kỳ vọng thắt chặt mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Sự phục hồi này còn được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Anh đã tăng trưởng 0,2% trong quý 2/2022, một sự cải thiện đáng ngạc nhiên so với ước tính trước đó là giảm 0,1%. Euro cũng tăng cao hơn do lạm phát của Pháp giảm 0,5% vào tháng 9 so với tháng 8. Tuy nhiên, đồng euro vẫn bị áp lực bởi tình hình địa chính trị khó khăn và khủng hoảng năng lượng từ cuộc xung đột quân sự của Nga ở Ukraine...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.