Ngày 24.9, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố giảm 5 đồng/USD, xuống còn 23.134 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giữ giá USD đứng yên, Vietcombank mua USD với giá 22.640 - 22.670 đồng/USD và bán ra 22.870. Giá USD trên thị trường tự do ngày 24.9 giảm mạnh chiều mua vào 30 đồng/USD, xuống còn 23.005 đồng/USD, trong khi giá bán ra chỉ giảm 10 đồng/USD, xuống còn 23.175 đồng/USD.
Trên thị trường quốc tế, giá đồng bạc xanh lao dốc, chỉ số USD-Index giảm 0,48 điểm, xuống còn 93,01 điểm. Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 18.9 ở mức 351.000 đơn, tăng so với 335.000 đơn của tuần trước đó, trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 322.000 đơn. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh đã hút phần nào dòng tiền trên thị trường, chỉ số Dow Jones tăng 506,5 điểm, tương đương 1,48%, lên 34.764,82 điểm; S&P 500 tăng 53,34 điểm, tương đương 1,21%, lên 4.448,98 điểm; Nasdaq tăng 155,4 điểm, tương đương 1,04%, lên 15.052,24 điểm.
Thêm vào đó, các nước bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ làm cho nội tệ tăng giá, đẩy USD giảm. Chẳng hạn, Na Uy trở thành quốc gia phát triển đầu tiên tăng lãi suất lên 0,25%, trong bối cảnh nhiều quốc gia khác nới lỏng dần những hạn chế chống Covid-19. Đồng crore của nước này tăng 0,7% so với USD, đồng thời đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 so với euro, là 10,07 NOK/EUR.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 23.9 đã bơm 90 tỉ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thị trường tránh những biến động quá mạnh, cũng như Evergrande đàm phán riêng với chủ nợ đã làm giảm bớt khả năng vỡ nợ và nguy cơ ảnh hưởng lây lan tới thị trường tài chính. Những động thái này giúp cho nhân dân tệ không những không giảm mạnh mà có thời điểm trong ngày còn tăng so với USD.
Bình luận (0)