Sáng 28.2, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.140 đồng/USD, giảm 106 đồng so với cuối tuần qua. Nhưng giá USD tại các ngân hàng thương mại hầu như đứng yên. Chẳng hạn, ngân hàng Vietcombank vẫn giữ nguyên giá mua vào 22.650 đồng/USD và bán ra 22.960 đồng/USD; Eximbank cũng tiếp tục mua 22.710 đồng/USD và bán ra 22.920 đồng/USD… Giá USD trên thị trường tự do giảm 65 đồng ở chiều mua vào, xuống 23.430 đồng/USD và giảm 35 đồng ở chiều bán ra, xuống 23.530 đồng/USD. Điều này đẩy chênh lệch giữa giá mua và bán USD tại một số điểm thu đổi ngoại tệ tăng lên 100 đồng, tăng thêm 30 đồng so với cuối tuần qua.
Giá USD sáng 28.2 trên thị trường quốc tế tăng cao |
Ngọc Thắng |
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index nhảy vọt đầu tuần, lên 97,13 điểm cộng 0,56 điểm so với cuối tuần qua. Thị trường tài chính tuần này tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, một số dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố cũng sẽ tác động đến nhà đầu tư. Đó là chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất, bảng lương phi nông nghiệp cùng với các báo cáo tình trạng thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đưa ra từ ngày 28.2 đến ngày 3.3. Song song đó, thị trường cũng chờ bài phát biểu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong phiên điều trần vào giữa tuần để có thêm thông tin về định hướng chính sách tiền tệ của cơ quan này trong thời gian tới.
Còn tại châu Âu, số liệu PMI khu vực tư nhân cho Ý, Tây Ban Nha và PMI của Pháp, Đức cùng với Khu vực liên minh châu Âu cũng được công bố trong tuần này, dự kiến sẽ tác động đến tỷ giá đồng euro so với đồng USD. Ngoài ra, doanh số bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp và dữ liệu thương mại của Đức cũng là những yếu tố có khả năng tạo nên một số biến động trên thị trường tiền tệ...
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng trong ngắn hạn, thông tin từ cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine có thể sẽ làm lu mờ ảnh hưởng từ các thông tin kinh tế trên.
Bình luận (0)