Giá USD tự do sáng 25.6 tăng 10 – 20 đồng/USD, mua vào lên 23.185 đồng/USD, bán ra 23.215 đồng/USD, có thời điểm USD giảm về mức 23.165 đồng/USD ở chiều mua và bán ra 23.200 đồng/USD. Vietcombank giữ giá mua USD ở mức 23.100 đồng, bán ra 23.310 đồng; Eximbank mua USD với giá 23.120 đồng, bán ra 23.290 đồng…
Trên thị trường liên ngân hàng chiều ngày 24.6, giá USD giao dịch giữa các ngân hàng thương mại giảm 4 đồng, còn 23.216 đồng/USD. Lãi suất bình quân liên ngân hàng giảm 0,01% ở một số kỳ hạn như qua đêm còn 0,19%/năm, 1 tuần còn 0,28%/năm, 2 tuần còn 0,38%/năm… Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ngày 25.6 ở mức 23.230 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD.
Trên thị trường quốc tế, USD tăng giá so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index tăng 0,3 điểm, lên 97,2 điểm. Các nhà đầu tư lại chọn USD làm nơi trú ẩn khi tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp. Mỹ công bố chỉ số giá nhà tăng 0,2% trong tháng 4 sau khi tăng 0,1% ở tháng 3; thấp hơn một chút so với kỳ vọng tăng 0,3%. Giá nhà tại Mỹ đã tăng tới 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.
IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế thế giới trong báo cáo tháng 6 vừa công bố, suy giảm 4,9% trong năm 2020 và sau đó hồi phục 5,4% trong năm 2021, mức dự báo này lần lượt giảm 1,9% và 0,4% so với báo cáo được công bố vào tháng 4, do tác động của dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn dự đoán sơ bộ. Khu vực các nước phát triển được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch, GDP Mỹ giảm 8,0%; Eurozone giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 5,8% và Anh giảm 10,2%. Sang đến năm 2021, nhóm nước này được dự báo phục hồi 4,8%; tăng 0,3% so với dự báo hồi tháng 4, các khu vực lớn nêu trên lần lượt tăng 4,5%; 6%; 2,4% và 6,3%. Thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển được dự báo giảm 3% trong năm 2020 và phục hồi 5,9% năm 2021; nghĩa là giảm 2% và 0,7% so với dự báo tháng 4. Trong nhóm này nổi bật là Trung Quốc, được IMF dự báo vẫn tăng trưởng nhẹ 1% trong năm 2020 và 8,2% trong 2021, lần lượt giảm 0,2% và 1% so với dự báo trước.
Bình luận (0)