Sáng ngày 2.6, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.251 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày trước đó. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đi xuống, như Vietcombank giảm 20 đồng còn 23.140 – 23.350 đồng/USD; Eximbank giảm 20 đồng ở hai chiều mua và bán xuống còn 23.170 – 23.340 đồng/USD và giá USD trên thị trường tự do giảm 30 đồng còn 23.230 – 23.280 đồng/USD...
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index đầu ngày giảm xuống 97,79 điểm. Đồng bạc xanh đi xuống trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các công ty nhà nước ngưng mua đậu nành và thịt heo của Mỹ, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông. Theo Reuters, Trung Quốc có thể mở rộng lệnh ngừng nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản khác của Mỹ nếu Washington có hành động tiếp theo đối với vấn đề Hồng Kông. Trong trường hợp xấu nhất, nếu Tổng thống Trump tiếp tục nhắm vào Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Bắc Kinh và Washington đã đạt được giữa tháng 1.2020. Động thái này làm gia tăng mối lo ngại về việc đổ vỡ thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Trung khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn để đầu tư như vàng.
Nhưng một số thông tin lạc quan khác như tại khu vực châu Âu, chỉ số PMI sản xuất đã phục hồi phần nào trong tháng 5 từ mức thấp kỷ lục vào tháng 4; chỉ số PMI của Trung Quốc bất ngờ cho thấy sự cải thiện nhỏ so với tháng trước phần nào giúp chứng khoán Mỹ vẫn giữ được sắc xanh trong phiên đầu tháng 6. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1.6, chỉ số Dow Jones tăng 91,91 điểm, tương đương 0,36% lên 25.475,02 điểm; chỉ số S&P 500 cộng thêm 0,38% lên 3.055,73 điểm và đây là mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 đến nay. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa tại mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 khi tăng 0,66% lên 9.552,05 điểm.
Bình luận (0)