Giá vàng bất động sau thông tin thanh tra

Thanh Xuân
Thanh Xuân
25/05/2024 05:43 GMT+7

Sau quyết định thanh tra 2 ngân hàng và 4 "đại gia" ngành vàng, thị trường vàng trong nước bất động bất chấp đà lao dốc của giá kim loại quý trên thị trường quốc tế.

Giá vàng bất động ở mức cao

Giá vàng miếng SJC sáng 24.5 giảm 200.000 - 300.000 đồng mỗi lượng đầu ngày. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 87,5 triệu đồng, bán ra 89,5 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 87,5 triệu đồng, bán ra 89,3 triệu đồng. Eximbank mua vào với giá 87,3 triệu đồng, bán ra 89,3 triệu đồng… Trong khi đó, giá vàng nhẫn thay đổi nhiều lần trong ngày với mức giảm từ 400.000 - 500.000 đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào còn 75,12 triệu đồng, bán ra 76,62 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 75,2 triệu đồng, bán ra 76,65 triệu đồng. Công ty SJC mua vào 74,8 triệu đồng, bán ra 76,5 triệu đồng…

Giá vàng bất động sau thông tin thanh tra- Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 17,6 triệu đồng/lượng

Ngọc Thắng

Trong suốt ngày 24.5, thị trường vàng gần như bất động trong khi giá kim loại quý trên thị trường quốc tế trượt giảm sâu. Cụ thể, giá vàng thế giới giảm thêm 20 USD/ounce, xuống 2.338 USD/ounce. So với mức kỷ lục đạt được vào ngày 20.5 ở 2.451 USD, giá vàng quốc tế hiện nay thấp hơn 100 USD/ounce, tương đương 3 triệu đồng/lượng. Thế nhưng giá vàng miếng trong nước chỉ giảm 1,5 triệu đồng.

Điều đáng nói là giá vàng trong nước không thể giảm theo giá thế giới dù rằng một lượng vàng lớn đã được cung ra thị trường. Một ngày trước đó, ngày 23.5 có 11 thành viên trúng thầu 13.400 lượng vàng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mức giá 88,72 - 88,73 triệu đồng/lượng chính thức ra thị trường. Đây là phiên đấu thầu có khối lượng vàng lớn nhất. Tuy nhiên, nguồn cung tăng nhưng vẫn không kéo được giá giảm xuống.

Biến động vàng ngày 24.5: Giá vàng SJC rớt dưới mức 90 triệu đồng, vẫn đắt hơn thế giới

Thêm vào đó, NHNN mới đây công bố thanh tra về lĩnh vực vàng đối với 2 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); cũng như 4 đại gia trong ngành vàng gồm Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. Thành phần đoàn thanh tra ngoài NHNN còn có sự góp mặt của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương.

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo quy định của luật Thanh tra và các quy định có liên quan, tập trung vào những nội dung như chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1.1.2020 đến 15.5.2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. NHNN còn cho biết trong quá trình thanh tra, có thể bổ sung thêm đối tượng và nội dung thanh tra nếu cần thiết.

Lỗ 5 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng

Những người mua vàng miếng ở mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 11.5 nay lỗ hơn 5 triệu đồng/lượng. Dù cùng chất lượng vàng 4 số 9 nhưng giá vàng miếng SJC hiện đang cao hơn vàng nhẫn 13 triệu đồng/lượng.

Cần làm rõ cầu vàng đến từ đâu?

Từ ngày 19.4 đến nay, NHNN tổ chức 9 phiên đấu thầu, trong đó 6 phiên có khối lượng trúng thầu thành công 48.500 lượng, tương ứng hơn 1,8 tấn vàng. Thế nhưng giá vàng miếng SJC lại cao hơn thế giới 17,6 triệu đồng/lượng thay vì 17,2 triệu đồng/lượng trước đó, còn vàng nhẫn cao hơn 4,7 triệu đồng/lượng thay vì 4,2 triệu đồng/lượng. Nguồn cung tăng song song với việc thanh tra khiến nhiều người kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ giảm xuống.

Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí - Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc thanh tra hay đấu thầu vàng sẽ không làm cho giá vàng giảm vì công ty kinh doanh vàng thì muốn mua bán sôi động nên cơ bản họ vẫn cần vàng. Cầu vàng tăng thì giá khó xuống. Dù vậy ông Chí kỳ vọng qua các đợt thanh tra sẽ phần nào trả lời được vấn đề có thao túng giá trên thị trường vàng hay không. Đây là câu hỏi lâu nay không có câu trả lời nhưng hệ quả thì rất lớn. Thao túng gây rối loạn thị trường tài chính và việc kiểm tra có sự thao túng hay không liên quan đến hàng tồn kho.

Theo ông Lê Đạt Chí, từ nhiều tháng nay, chúng ta nghe vàng bị mất cân đối từ cung vàng và đề cập cầu vàng trong dân tăng nhưng lại chưa xét đến cầu vàng của các công ty, ngân hàng. Qua thanh tra các đơn vị có thể sẽ nắm được hàng tồn của họ như thế nào. "Lượng cung vàng bao nhiêu cho đủ nếu không nắm được cầu, ở đây là cầu vàng đầu cơ tích trữ của các đơn vị kinh doanh. Hoạt động thanh tra chỉ cần lần theo việc mua vàng tồn kho của các công ty kinh doanh vàng sẽ cho thấy 2 vấn đề. Thứ nhất là vàng được mua không rõ nguồn gốc. Có khả năng các công ty này đã đầu cơ tích trữ thông qua tăng mua ròng liên tục. Nếu có việc tăng mua ròng cũng cần làm rõ nguồn tiền đến từ đâu? Liệu có sự tiếp tay vốn tín dụng của ngân hàng hay không? Nếu có thì qua đó NHNN nên xem xét xử lý nghiêm hoạt động cho vay này như đã làm với người dân, hoặc chí ít cũng xem hoạt động cho vay này có rủi ro cao như bất động sản", ông Chí phân tích.

Chính vì vậy, ông Lê Đạt Chí kiến nghị cần có biện pháp "cai" vàng. Đó là tăng điều kiện kinh doanh vàng để giảm hoạt động mua bán vàng trong nền kinh tế. Doanh nghiệp kinh doanh vàng không được vay vốn hay hình thức vay nợ khác, đánh thuế thu nhập cá nhân mua bán vàng vì đây như là kênh đầu tư...

Giá vàng bất động sau thông tin thanh tra- Ảnh 2.

Giá USD tăng mạnh trong hôm qua

Ngọc Thắng

Giá USD tăng kịch trần dù NHNN can thiệp thị trường

Ngày 24.5, các ngân hàng thương mại tăng kịch trần giá USD. Vietcombank mua USD với giá 25.247 - 25.277 đồng, bán ra 25.477 đồng. Eximbank mua vào với giá 25.230 - 25.260 đồng, bán ra 25.477 đồng… NHNN tăng tỷ giá trung tâm thêm 6 đồng, lên 24.264 đồng/USD. Mức giá của các ngân hàng thương mại cao hơn giá bán USD của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước 27 đồng. Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước bán USD với giá 25.450 đồng, trong khi mua vào chỉ 23.400 đồng.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của SSI Research, NHNN đã phải thực hiện nghiệp vụ bán can thiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ từ phía các ngân hàng thương mại với khối lượng tương đối lớn. Cụ thể, cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 5 nhập siêu lên tới 2,6 tỉ USD đã tạo áp lực lớn lên trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thương mại, bên cạnh yếu tố mùa vụ khi doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước.

Để cân đối lượng tiền đã hút về qua bán ngoại tệ, NHNN đã liên tục bơm tiền trên thị trường mở trong những ngày qua. Ngày 24.5, 7 thành viên trúng thầu tín phiếu với khối lượng hơn 27.019 tỉ đồng ở kỳ hạn 14 ngày. Trước đó (ngày 23.5), NHNN đã bơm ra thị trường hơn 43.063 tỉ đồng. Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng mạnh, dao động từ 5,1 - 5,42%/năm. Dẫn đến lãi suất giữa USD và tiền đồng không chênh lệch cao, giảm áp lực lên tỷ giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.