Vàng lên 39,45 triệu đồng/lượng
Ngày 18.7, giá vàng trong nước đã tăng mạnh 250.000 - 320.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa cuối tuần qua, cao hơn so với mức tăng của giá vàng thế giới 1 - 4 USD/ounce (tương đương 25.000 - 100.000 đồng/lượng). Giá vàng thế giới hôm qua đã vượt qua ngưỡng 1.600 USD/ounce khi đạt 1.601,8 USD/ounce. Giá vàng SJC xác lập mức kỷ lục mới ở 39,45 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng trong nước xuất hiện lực mua vàng cắt lỗ của các nhà đầu tư. Vào cuối tuần qua, giá vàng tăng nhanh, một số nhà đầu tư đã bán ở mức giá 39 triệu đồng/lượng, chờ giá giảm mua lại. Nhưng qua phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng không giảm mà lại tăng vọt nên chỉ còn biết tiếc rẻ.
Lực bán vàng của thị trường giảm lại - Ảnh: D.Đ.Minh |
Đại diện Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết trong ngày 18.7, công ty đã mua vào 2.500 lượng, bán ra 2.800 lượng vàng. Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji cho hay ở thị trường Hà Nội, lực bán vàng trên thị trường vẫn nhiều hơn mua. Tuy nhiên, mức độ bán ra của người dân đã chậm hơn và lực mua vào tăng 15% so với cuối tuần trước.
Lực cầu tăng đã kéo ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong và ngoài nước. Giá vàng trong nước ngày 18.7 thấp hơn giá thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng thay vì thấp hơn 500.000 đồng vài ngày trước. Với mức chênh lệch này, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền - Giám đốc kinh doanh vàng Công ty vàng bạc đá quý Sacombank SBJ cho biết các công ty đã khó hơn trong việc xuất khẩu vàng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay tốc độ xuất khẩu tăng nhanh. Công ty cũng đã xuất khẩu được khối lượng tương đối lớn, khoảng 1 tấn vàng. Theo SJC, 2 tuần đầu tháng 7, SJC đã xuất khẩu vàng ước khoảng 500 - 600 kg. Ông Đỗ Minh Phú nói: “Công ty cũng đã xuất khẩu vài trăm ký vàng từ đầu tháng 7 đến nay. Giá vàng biến động liên tục nên việc xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi”.
Ngân hàng “neo” giá USDTheo ước đoán của giới doanh nghiệp kinh doanh vàng, lượng vàng xuất khẩu trong tuần qua đạt từ 5 - 7 tấn vàng, thu về 250 - 350 triệu USD. Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố trong tháng 6 đã xuất khẩu vàng mang về 630 triệu USD và trong 6 tháng đầu năm là 1,027 tỉ USD. Phó phòng kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng cổ phần cho biết ngân hàng đã mua một lượng lớn ngoại tệ từ phía doanh nghiệp xuất khẩu vàng trong tuần qua. Lượng USD này đã góp phần làm cho giá USD giảm. Ngày 18.7, giá bán USD trong hệ thống ngân hàng thương mại chỉ 20.590 đồng/USD, giá USD tự do ở mức thấp hơn, còn 20.560 đồng/USD. Thế nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giá mua cao hơn, ở mức 20.600 đồng (cao hơn giá bán của ngân hàng thương mại 10 đồng/USD), giá bán 20.814 đồng/USD. NHNN hiện vẫn tiếp tục mua USD dự trữ nên giá được “neo” lại quanh mức 20.600 đồng/USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Vị phó phòng này cho hay nếu không có động thái này, giá USD trên thị trường đã giảm mạnh bởi nguồn USD trên thị trường dồi dào từ xuất khẩu vàng, từ kết hối của các doanh nghiệp khác, từ nguồn tiết kiệm của người dân bán lại.
Tuy nhiên, giới kinh doanh vàng cũng tỏ ra lo ngại thị trường vàng sẽ khan hiếm vàng khi vàng liên tục được xuất khẩu (từ đầu năm đến nay lượng vàng xuất khẩu trên 20 tấn). Khi đó tình trạng giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới (có thời điểm cao hơn 1 triệu đồng) sẽ lặp lại và tình trạng nhập khẩu vàng mất ngoại tệ diễn ra. Ông Trần Trọng Quốc Khanh - Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu phân tích khi chính sách xuất nhập khẩu không rõ ràng dẫn đến thị trường vàng không liên thông 2 chiều, giá vàng cao thấp bất thường. Khi thị trường vàng không có một cơ chế chính thức cho việc xuất nhập khẩu, thị trường sẽ tự vận động theo cơ chế của nó dẫn đến phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp như buôn lậu, giá USD biến động khó kiểm soát... Ông Trần Trọng Quốc Khanh kiến nghị cần xem xét vấn đề xuất nhập khẩu một cách bình thường đối với thị trường vàng sẽ tạo cho giá trong và ngoài nước không bị chênh lệch cao hay thấp như thời gian qua.
Thanh Xuân
Bình luận (0)