Ngày 11.7, Eximbank tăng giá mỗi lượng vàng miếng SJC thêm 100.000 đồng, lên 66,5 triệu đồng ở chiều mua vào, bán ra 66,9 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC không thay đổi giá vàng miếng SJC so với chiều qua khi mua vào ở mức 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra 67,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tại công ty SJC đứng ở mức 55,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào, bán ra 56,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC cao hơn thế giới tăng lên 12,1 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 1,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ngày 11.7 tăng nhẹ 3 USD, lên 1.926 USD/ounce. Vàng ít biến động, chờ đợi dữ liệu lạm phát Mỹ công bố trong tuần này. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 dự kiến sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 5,3% tại báo cáo tháng 5.
Trong báo cáo triển vọng giữa năm vừa được công bố, bà Nicky Shiels, chiến lược gia kim loại quý tại MKS PAMP, cho biết đang duy trì mức giá trung bình cuối năm 2023 là 1.930 USD/ounce, ngay cả khi giá có thể duy trì xu hướng giảm trong thời gian tới. Giá vàng có thể biến động trong biên độ rộng từ 1.850 - 2.100 USD/ounce trong nửa cuối năm 2023 (nếu vàng tăng lên 2.100 USD/ounce, tương ứng cao hơn mức hiện tại 175 USD/ounce, tương đương tăng 5 triệu đồng/lượng).
Vàng có thể tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian còn lại của mùa hè khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, vàng vẫn có khả năng đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại vào cuối năm nay. Giá vàng dự báo cao hơn đến từ việc có thể Fed sẽ thua cuộc trong cuộc chiến chống lạm phát. Mặc dù mối đe dọa về suy thoái kinh tế do các chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Fed gây ra vẫn còn trên thị trường nhưng đã giảm bớt và các nhà đầu tư hiện đang theo đuổi động lực mua các tài sản khác.
Bình luận (0)