Sáng 12.3, cửa hàng Mi Hồng (TP.HCM) công bố giá mua vàng miếng SJC là 68 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Nhưng chiều bán ra được đơn vị này giữ nguyên với giá 70 triệu đồng/lượng. Như vậy chênh lệch giữa giá mua và bán được đẩy lên cao là 2 triệu đồng mỗi lượng thay vì chỉ hơn nhau 1,5 triệu đồng trong sáng hôm qua. Trong khi đó, vàng nhẫn 99,99 tại cửa hàng này được giảm 200.000 đồng ở chiều mua vào xuống 55,2 triệu đồng/lượng và giảm 100.000 đồng ở chiều bán ra, còn 56 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa mua và bán của vàng nhẫn chỉ ở mức 800.000 đồng mỗi lượng.
Vàng miếng trong nước giữ mức 70 triệu đồng/lượng |
Ngọc Thắng |
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trở lại lên 1.991,6 USD/ounce, cộng thêm gần 2 USD so với cuối ngày hôm qua nhưng vẫn sụt giảm so với 24 giờ trước đó. Kim loại quý tiếp tục hạ nhiệt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã có tiến triển trong các cuộc đàm phán với Ukraine. Song song đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 của Mỹ đã tăng trong ngày, theo đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. Đồng USD cũng tăng mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Tuy nhiên, nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết rằng cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng giá kim loại quý tăng cao hơn, vì điều đó có thể đồng nghĩa với lạm phát cao hơn, tăng trưởng chậm lại và ngân hàng trung ương tăng lãi suất ít hơn.
Giá vàng đã chớm vượt qua đỉnh cũ của tháng 8.2020 vào giữa tuần này nhưng đã nhanh chóng quay đầu đi xuống. Theo phân tích kỹ thuật, sự điều chỉnh trong những phiên gần đây có thể coi là sự tạm nghỉ sau khi đạt đến mục tiêu giá (target price) của mẫu hình Triangle trung hạn. Điểm giao cắt vàng (golden cross) cũng xuất hiện từ tháng 2.2022 giữa SMA 50 ngày và SMA 200 ngày. Đây chính là điểm xoay chuyển chiến lược cho thấy đà tăng dài hạn của vàng là khó có thể ngăn cản.
Bình luận (0)