Ngày 12.4, Eximbank giảm giá vàng miếng SJC 100.000 đồng mỗi lượng, mua vào 66,5 triệu đồng, bán ra 66,9 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng tăng giá kim loại quý 50.000 - 100.000 đồng mỗi lượng, mua vào 66,5 triệu đồng, bán ra 67,1 triệu đồng. Vàng nữ trang cũng tăng 100.000 đồng mỗi lượng, lên 54,9 triệu đồng ở chiều mua vào, bán ra 55,6 triệu đồng. Chêch lệch giá mua bán vàng duy trì ở mức 500.000 - 700.000 đồng mỗi lượng là rủi ro cho người mua vàng thời điểm này. Ngoài ra, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 10 triệu đồng/lượng.
Sáng 12.4, giá kim loại quý trên thị trường quốc tế tăng nhẹ 1 USD/ounce, lên 2.005 USD/ounce. Trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 11.4), vàng đã có những biến động mạnh. Sau khi tăng lên mức 2.008 USD/ounce, vàng đã trượt dốc nhanh xuống mức 1.996 USD/ounce rồi nhanh chóng vượt qua lại mức 2.000 USD/ounce.
Thị trường đang chờ đợi Mỹ công bố chỉ số lạm phát trong tuần này, dự kiến sẽ tăng 5,1%, so với mức tăng 6% trong báo cáo tháng 2. Trung Quốc vừa công bố lạm phát tháng 3 giảm. Giá tiêu dùng tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9.2021.
Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), khủng hoảng ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến các nhà đầu tư chạy trốn vào vàng trong tháng trước, chấm dứt 10 tháng liên tiếp rút tiền. Các quỹ ETF đã mua 32 tấn kim loại quý, trị giá 1,9 tỉ USD qua các sản phẩm giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng toàn cầu trong tháng 3. Lợi suất thấp hơn, đồng đô la yếu hơn và hoạt động mua trú ẩn an toàn đã nâng giá vàng lên 9% trong tháng 3...
Mặc dù tháng 3 chứng kiến thị trường vàng ETF quay đầu mạnh, nhưng nhu cầu tháng trước không đủ để xóa bỏ một khởi đầu tương đối đáng thất vọng trong năm. WGC cho biết, các quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng đã bị rút ròng 28,7 tấn, trị giá 1,5 tỉ USD trong quý đầu tiên của năm 2023. Các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu vàng sẽ vẫn mạnh mẽ khi sự không chắc chắn tiếp tục thống trị thị trường tài chính.
Bình luận (0)