Giá vàng miếng SJC giảm 100.000 - 200.000 đồng/lượng ngày 13.2. Eximbank mua vào 66,6 triệu đồng/lượng, bán ra 67,2 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng mua vào còn 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra 67,3 triệu đồng… Ngược lại, giá vàng nữ trang tăng 100.000 đồng/lượng, mua vào lên 53,9 triệu đồng, bán ra 54,6 triệu đồng. So với giá vàng thế giới, vàng miếng SJC cao hơn 14 triệu đồng/lượng, còn nữ trang cao hơn 1,3 triệu đồng lượng.
Giá vàng sáng 13.2 giảm 5 USD/ounce, xuống còn 1.861 USD/ounce. Kim loại quý tiếp tục chật vật dưới mức 1.900 USD/ounce. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng vàng sẽ "tỏa sáng" trong năm 2023, tăng lên mức 2.200 USD/ounce, mức giá trung bình vào khoảng 2.000 USD/ounce. Như vậy, giá vàng được dự báo cao hơn hiện nay khoảng 140 - 340 USD/ounce, tương đương mức giá quy đổi theo tỷ giá ngân hàng khoảng 4 -9,7 triệu đồng/lượng.
Kể từ cuối năm 2019, nguồn cung tiền (M2) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng 40%, đồng thời cung tiền của Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng 25%. Các ngân hàng cần rút tiền về nên sẽ làm giảm tiêu dùng. Với tình trạng lãi suất tăng lên mức 5%, nợ công của Mỹ tăng lên và vàng được xem là tài sản hấp dẫn.
Nga đã quyết định bán một số vàng của mình để trang trải thâm hụt ngân sách vào tháng 1 do thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt giảm. Bộ Tài chính Nga cho biết, thâm hụt ngân sách đã tăng lên 1.760 tỉ rúp (25 tỉ USD). Điều này đánh dấu mức thâm hụt lớn nhất trong tháng 1 trong vòng 25 năm qua. Doanh thu thuế từ dầu khí giảm 46% so với một năm trước đã góp phần vào việc này. Chi tiêu cũng tăng 59%, do xung đột ở Ukraine. Để bù đắp thâm hụt, Nga đã bán 3,6 tấn vàng và 2,3 tỉ nhân dân tệ Trung Quốc từ Quỹ Tài sản quốc gia Nga (NWF) vào tháng 1 vừa qua.
Bình luận (0)