Sáng 14.1, giá vàng miếng tại TP.HCM được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết là 55,9 - 56,5 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với cuối ngày hôm trước. Còn tại Hà Nội, Tập đoàn Doji không thay đổi giá mua vào là 55,9 triệu đồng/lượng nhưng tăng thêm 100.000 đồng ở chiều bán ra lên 56,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng tiếp tục đứng ở mức cao là 600.000 đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đứng ở mức 1.850 USD/ounce, giảm nhẹ 7 USD so với cuối ngày hôm trước. Khi kết thúc phiên giao dịch 13.1 (rạng sáng ngày 14.1 giờ Việt Nam), hợp đồng vàng tương lai tiến 0,6% lên 1.854,90 USD/ounce. Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết nhà đầu tư kỳ vọng nhiều gói kích thích hơn, lạm phát cao hơn dự báo và động thái mua vào các tài sản trú ẩn an toàn bởi môi trường chính trị ở Mỹ đã giữ hỗ trợ cho vàng. Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ vào ngày 13.1 cho biết chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,4% trong tháng trước. Và theo ông Haberkorn, điều đó cho thấy đà tăng nhẹ của lạm phát, điều này luôn luôn hỗ trợ vàng.
Giá vàng sụt giảm gần đây do đồng USD mạnh và sự gia tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã đánh bại yếu tố hỗ trợ giá vàng là kỳ vọng lạm phát tăng cao tại Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 22% lên mức cao nhất của tháng 3 trong tuần trước cùng với sự phục hồi của đồng USD khiến vàng rời khỏi mốc 1.900 USD/ounce. Hiện lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đầu tuần này đã giảm nhưng các nhà đầu tư vào kim loại quý cũng tỏ ra chần chừ vì lo ngại lợi suất này có thể tăng vọt trở lại vào cuối tuần. Chuyên gia phân tích kim loại cấp cao của Kitco - Jim Wyckoff cho biết sự phục hồi của chỉ số USD-Index và lợi suất tăng sẽ tiếp tục gây áp lực đối với vàng trong ngắn hạn. Trong khi đó, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng nắm giữ của các quỹ đầu tư ETF đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12.2020, nhưng vẫn tăng hơn bao giờ hết trong năm vừa qua...
Bình luận (0)