Sáng 24.2, giá vàng trong nước vẫn neo ở mức cao dù giảm so với ngày hôm qua. Chẳng hạn, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vàng miếng SJC với giá 76,5 triệu đồng và bán ra 78,7 triệu đồng, giữ nguyên như hôm qua. Trong khi đó, cửa hàng Mi Hồng (TP.HCM) mua vào vàng miếng SJC với giá 77 triệu đồng, bán ra 78 triệu đồng, tăng 300.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Tuy nhiên, nếu so với đầu ngày 23.2 thì vàng trong nước đã quay đầu giảm từ 300.000 - 400.000 đồng.
Tương tự, vàng nhẫn 24K (tương đương 4 số 9) của PNJ cũng được duy trì với giá mua 63,35 triệu đồng và bán ra 64,5 triệu đồng. Chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC tại các cửa hàng cũng dao động từ 1 - 2,2 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn 24K là gần 1,2 triệu đồng.
Giá vàng thế giới tăng trở lại, đạt 2.036,3 USD/ounce, cao hơn 10 USD so với sáng hôm qua. Kim loại quý đi lên do đồng USD suy yếu và nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn tăng khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm trong tuần qua, theo đó giúp vàng - tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên rẻ hơn đối với người mua ở thị trường nước ngoài. Theo ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, vàng tăng chủ yếu do đồng USD yếu hơn một chút và có rất nhiều hoạt động mua trú ẩn an toàn mặc dù tỷ giá vẫn cao như hiện nay.
Nhà đầu tư dường như đã đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 6, nhất là sau khi báo cáo cuộc họp tháng 1 của cơ quan này được công bố và nhiều phát biểu từ các thành viên thuộc Fed. Trước đó, hàng loạt dữ liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao, trên 3% và còn cách xa mục tiêu 2% mà Fed mong muốn và các quan chức Fed cho rằng cần có thêm thời gian để thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn...
Bình luận (0)