Sáng 24.6, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng 100.000 đồng, đưa giá mua lên 66,5 triệu đồng và bán ra lên 67,1 triệu đồng; vàng nhẫn 4 số 9 được SJC giảm 50.000 đồng/lượng, xuống còn mua vào 55,35 triệu đồng và chiều bán ra giữ nguyên 56,35 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua bán vàng nhẫn lại tăng lên mức 1 triệu đồng mỗi lượng. Điều này khiến người mua vào lỗ ngay 1 triệu đồng.
Giá vàng thế giới hồi phục nhẹ, lên 1.921,2 USD/ounce, cao hơn 6 USD so với sáng hôm qua sau khi thông tin công bố lĩnh vực sản xuất của Mỹ tiếp tục suy yếu và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tương đối ổn định. Cụ thể, dữ liệu PMI ngành sản xuất của Mỹ từ S&P Global giảm mạnh xuống 46,3, giảm so với mức 48,4 của tháng 5. Báo cáo cho biết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.
Trong khi đó, PMI của ngành dịch vụ vẫn nằm trong vùng mở rộng ngay cả khi hoạt động chậm lại ở mức 54,1, giảm so với mức 54,9 của tháng trước. Dữ liệu tương đối phù hợp với kỳ vọng, vì các dự báo đồng thuận cho rằng chỉ tiêu sẽ giảm xuống 53,9.
Dù vậy, vàng đã giảm gần 2% từ đầu tuần đến nay và mất hơn 150 USD kể từ khi tăng lên mốc quan trọng 2.000 USD/ounce vào đầu tháng 5.
Ông Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định: “Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - Jerome Powell - khá ‘diều hâu’, ông ấy ủng hộ việc nâng lãi suất nhiều hơn và không sớm thấy có bất kỳ đợt hạ lãi suất nào. Điều đó khá tiêu cực đối với kim loại quý”. Trong khi đó, Chủ tịch Fed khu vực San Francisco, Mary Daly, cho biết sẽ có 2 đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay là một dự báo “rất hợp lý”.
Kim loại quý rất nhạy cảm với việc nâng lãi suất Mỹ, vì chúng làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng. Do vậy, khi các quan chức thuộc Fed bày tỏ quá trình nâng lãi suất vẫn chưa dừng lại đã đẩy giá vàng lao dốc.
Bình luận (0)