Sáng 2.6, vàng miếng SJC tại ngân hàng Eximbank được duy trì giá mua vào 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra 66,9 triệu đồng như hôm qua. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giảm 50.000 đồng, đưa giá mua vào xuống 66,45 triệu đồng, bán ra 67,05 triệu đồng; vàng nhẫn 4 số 9 của SJC cũng giảm 50.000 đồng khi giá mua xuống 55,65 triệu đồng và giá bán ra còn 56,6 triệu đồng.
Chênh lệch mua bán vàng nhẫn SJC tiếp tục duy trì ở mức 950.000 đồng/lượng trong khi chênh lệch mua bán vàng miếng SJC vẫn giữ mức 600.000 đồng. Vàng miếng SJC tiếp tục giảm ngược chiều thế giới nhưng vẫn cao hơn trên 11 triệu đồng.
Giá vàng hôm nay trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, đạt 1.977 USD/ounce - ghi nhận mức cao nhất trong vòng 1 tuần. So với sáng hôm qua, kim loại quý tăng gần 10 USD. Kim loại quý gia tăng nhờ đồng USD giảm sau khi dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ dấy lên khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Chủ tịch Fed tại Philadelphia, Patrick Harker cho biết, trừ khi có bất kỳ bất ngờ nào về dữ liệu kinh tế, ông muốn giữ lãi suất ổn định trong tháng 6.
Trong khi đó, tối 31.5 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trần nợ. Đây là cái kết ấn tượng cho nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Kế tiếp, dự luật sẽ được chuyển đến Thượng viện Mỹ để bỏ phiếu thông qua trước khi được Tổng thống Joe Biden ký ban hành trước ngày 5.6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ cho là không còn tiền để thanh toán các khoản chi phí.
Thành công của các cuộc đàm phán trần nợ đã xoá sạch rủi ro này của Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng triển vọng về kinh tế nói chung vẫn còn u ám - chẳng hạn như lĩnh vực vận tải đường bộ đang hoạt động kém hiệu quả... Điều này khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng vẫn ở mức cao.
Bình luận (0)