Sáng 2.7, ngân hàng Eximbank niêm yết giá mua vàng miếng là 56,55 triệu đồng/lượng và bán ra 56,95 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua. Còn giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào là 56,35 triệu đồng/lượng và bán ra 56,95 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC tiếp tục duy trì ở mức 600.000 đồng/lượng dù thị trường giao dịch trầm lắng.
Giá vàng thế giới đầu ngày xoay quanh mức 1.778 USD/ounce, tăng thêm hơn 7 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới tương đương 49,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Vàng trong nước vẫn tiếp tục cao hơn thế giới gần 7,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng trở lại sau nhiều phiên giảm trước đó khi sức cầu bắt đáy tăng khá mạnh. Vàng tăng còn do nỗi lo về sự lây lan của biến thể mới của virus Covid-19 ở nhiều nơi. Các ca mắc gia tăng của biến thể Delta đã khiến Pháp trì hoãn việc nới lỏng các hạn chế, trong khi số ca mắc mới cũng liên tục gia tăng ở châu Á... Bên cạnh đó, đồng USD vẫn treo ở mức cao nhất trong 2,5 tháng qua. Đồng thời, vàng tăng giá còn do dầu tăng mạnh lên mức cao nhất 2 năm rưỡi, ở mức 75 USD/thùng và thị trường lao động của Mỹ diễn biến khá tích cực...
Nhưng hiện vàng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh đã diễn ra trong tháng 6. Nhiều dự báo cho rằng, đồng USD sẽ tăng theo những tín hiệu “diều hâu” của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ vẫn còn tạo ra các mức cao kỷ lục mới. Điều đó cũng tác động không thuận lợi cho kim loại quý. Chủ tịch Fed tại Dallas, ông Robert Kaplan hôm 30.6 dự đoán Fed bắt đầu giảm hỗ trợ cho nền kinh tế trước cuối năm nay, một phần để giảm khả năng thắt chặt chính sách đột ngột sau này. Theo Reuters, nếu Fed tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng, theo đó làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý...
Bình luận (0)