Giá vàng hôm nay 28.6.2022: Áp lực giảm trước khi Mỹ công bố thông tin kinh tế

Thanh Xuân
Thanh Xuân
28/06/2022 09:28 GMT+7

Các nhà đầu tư vàng trên thị trường quốc tế đã thận trọng hơn trong tuần này trước khi Mỹ công bố những thông tin quan trọng như GDP, chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE).

Sáng 28.6, giá vàng miếng SJC ít biến động. Eximbank giảm nhẹ mỗi lượng vàng 50.000 đồng, xuống 67,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra 68,4 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giữ giá mua vào ở mức 67,9 triệu đồng/lượng và bán ra 68,6 triệu đồng/lượng. Thị trường giao dịch ảm đạm nhưng các công ty kinh doanh vàng vẫn giữ giá vàng SJC cao hơn quốc tế 17,17 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng SJC ít biến động

ngọc thắng

Tốc độ giảm giá kim loại quý trên thị trường quốc tế mạnh hơn, ở mức 12 USD/ounce, xuống còn 1.824 USD/ounce. Giá vàng giảm khi "khẩu vị rủi ro" của các nhà đầu tư tăng lên. Dòng tiền chuyển dịch sang thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không mạnh tay trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ của mình, vì lo ngại gây ra suy thoái trong nền kinh tế Mỹ. Sự sụt giảm gần đây của nhiều loại hàng hóa thô, bao gồm cả dầu thô, cũng cho thấy áp lực lạm phát có thể đã hạ nhiệt.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư đang chờ đợi hai báo cáo quan trọng của chính phủ sẽ được công bố trong tuần này, đó là con số mới nhất về GDP thực tế và chỉ số PCE cho tháng 5.2022. Những lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn sẽ được xác nhận hoặc phủ nhận bởi báo cáo GDP. Những lo ngại này đã khiến cả đồng đô la và vàng giảm điểm gần đây.

Theo một báo cáo của tiến sĩ David Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại công ty quản lý tài sản JP Morgan, GDP thực cho thấy nền kinh tế thu hẹp lại với tốc độ 1,5% hằng năm trong quý 1/2022, giảm tốc so với mức quý 4/2021. Điểm yếu chủ yếu do dữ liệu thương mại và hàng tồn kho biến động. Thương mại trừ 3,2% so với tăng trưởng GDP chung do xuất khẩu giảm mạnh và nhập khẩu tăng vọt. Thu nhập quý đầu tiên của năm 2022 đã tăng tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, lạm phát tiếp tục vượt xa mục tiêu 2% của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) với báo cáo CPI tháng 5 cho thấy lạm phát nóng hơn dự kiến ​​mặc dù Fed hy vọng rằng nó sẽ điều tiết. Do vậy, Fed có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái nếu nó thắt chặt quá mức để đối phó với lạm phát do cung. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị gia tăng với Nga có thể dẫn đến tình trạng tiếp tục thiếu hụt năng lượng, niềm tin của người tiêu dùng thấp và tăng trưởng giảm sút. Cuối cùng, thị trường có thể vẫn suy thoái và biến động cho đến khi các nhà đầu tư nhận được sự rõ ràng về lạm phát và Fed.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.