Sáng 28.10, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào 70,2 triệu đồng/lượng và bán ra 71 triệu đồng, tăng 250.000 đồng sau một ngày. Tương tự, vàng nhẫn 4 số 9 của SJC cộng thêm 700.000 đồng so với sáng hôm qua, đưa giá mua lên 58,7 triệu đồng và bán ra tăng 800.000 đồng lên 59,8 triệu đồng. Hiện chênh lệch giữa mua bán vàng miếng SJC lên mức 700.000 đồng trong khi vàng nhẫn cùng thương hiệu lên 1,1 triệu đồng, cao hơn 100.000 đồng so với hôm qua.
Giá vàng thế giới cuối tuần tăng vọt lên ngưỡng 2.000 USD/ounce và đang dao động quanh mức 2.006,6 USD/ounce. So với hôm qua, kim loại quý đã tăng thêm 30 USD.
Theo số liệu mới công bố, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 9 được công bố trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vào tuần tới. Theo đó, PCE lõi tăng 0,3% so với tháng trước và 3,7% so với cùng kỳ năm trước, khớp với ước tính từ các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Dow Jones.
Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,7%. PCE là một thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Thế nhưng, động lực tăng giá chính hiện nay đối với vàng là do nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục được thúc đẩy bởi căng thẳng tại Trung Đông. Ông Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York cho biết: “Vàng duy trì mức tăng gần đây do thị trường vẫn cực kỳ lo ngại về xung đột tại Trung Đông”. Giá vàng đã tăng khoảng 8%, tương đương hơn 140 USD/ounce kể từ khi cuộc xung đột quân sự ở khu vực này diễn ra vào ngày 7.10.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities cho rằng nếu xung đột leo thang, sẽ có triển vọng mua thêm tài sản trú ẩn an toàn. Nhà đầu tư cũng dõi theo triển vọng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed sẽ diễn ra từ ngày 31.10 đến ngày 1.11 với kỳ vọng của thị trường là 98% khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất...
Bình luận (0)