Sáng 28.9, giá vàng miếng SJC được ngân hàng Eximbank duy trì mua vào 68,1 triệu đồng và bán ra 68,6 triệu đồng như hôm qua; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cũng tiếp tục mua vào 68,1 triệu đồng, bán ra 68,8 triệu đồng. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào 56,6 triệu đồng và bán ra 57,55 triệu đồng, giảm 50.000 đồng ở chiều mua và giảm 150.000 đồng ở chiều bán sau một ngày.
Giá vàng thế giới tiếp tục lao dốc xuống còn 1.877,2 USD/ounce, giảm 12 USD so với sáng hôm qua. Quy đổi tương đương, kim loại quý đang có giá 55,6 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện, vàng miếng SJC cao hơn quốc tế 13,2 triệu đồng trong khi vàng nhẫn chỉ cao hơn 1,95 triệu đồng.
Kim loại quý đã kéo dài đà giảm trong 3 phiên qua khi dự báo lãi suất Mỹ cao hơn trong thời gian dài đã khiến nhà đầu tư đổ xô tìm đến đồng USD trú ẩn an toàn. Điều đó cũng đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên mức đỉnh 16 năm. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc lên 4,648% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng tăng theo.
Đây là nguyên nhân chính khiến vàng giảm đi sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Theo ông Greg Bassuk, CEO của AXS Investments, hiện lạm phát vẫn là mối lo ngại lớn. Nhà đầu tư rất quan ngại không chỉ về lãi suất tăng cao mà còn về việc điều đó tác động như thế nào đến các công ty có chi phí vay cao hơn.
Còn ông Ryan McKay, Chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities, cho rằng chừng nào câu chuyện lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn vẫn còn, nó sẽ tiếp tục gây áp lực lên kim loại quý. Ngay khi vàng rớt xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce đã dẫn đến áp lực bán kỹ thuật. Nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục mạnh mẽ, đó sẽ là điều gây ảnh hưởng tiêu cực đến vàng...
Bình luận (0)