Sáng 2.9, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC không thay đổi so với hôm qua do công ty nghỉ lễ. Vàng miếng SJC được mua vào 67,55 triệu đồng/lượng và bán ra 68,25 triệu đồng; vàng nhẫn 4 số 9 được mua vào 56,25 triệu đồng và bán ra 57,25 triệu đồng.
Nếu so với cuối tháng 1 nhân ngày vía Thần tài (mùng 10 Tết Nguyên đán, nhằm ngày 31.1.2023), giá vàng miếng SJC tăng 1,25 triệu đồng ở chiều mua vào và tăng 550.000 đồng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, mặc dù vàng tăng sau 7 tháng nhưng do chênh lệch giá mua bán nên khách hàng mua vàng lấy hên ngày Thần tài đến nay bán ra vẫn bị lỗ gần 200.000 đồng mỗi lượng.
Giá vàng thế giới chốt cuối tuần giảm nhẹ xuống 1.940,6 USD/ounce, giảm gần 4 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, vàng thế giới khoảng 56,7 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, mỗi lượng vàng SJC đang cao hơn thế giới 11,55 triệu đồng.
Nhiều năm nay, thị trường vàng trong nước luôn “một mình một chợ” khi vàng SJC luôn cao hơn thế giới trên 10 triệu đồng trở lên. Điều này một phần làm giảm sức hút của vàng với nhà đầu tư.
Dữ liệu từ Viện Quản lý cung ứng (ISM) vừa công bố cho thấy, hoạt động sản xuất tại Mỹ trong tháng 8 giảm tháng thứ 10 liên tiếp, nhưng tốc độ giảm tiếp tục chậm lại. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD đã tăng trở lại và tiếp tục gây áp lực lên kim loại vàng.
Theo ông Tai Wong, nhà đầu tư kim loại độc lập tại New York, báo cáo của ISM đã kìm hãm đà tăng của vàng để kim loại quý dao động trong phạm vi từ 1.920 - 1.960 USD/ounce trong ngắn hạn. Thị trường vàng chờ có thêm nhiều manh mối về quan điểm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp tháng 9 sắp tới.
Hiện công cụ FedWatch của CME Group cho thấy xác suất Fed giữ lãi suất không đổi trong tháng 8 tăng từ 89% trước khi có dữ liệu việc làm lên 93%, trong khi khả năng tạm dừng nâng lãi suất trong tháng 11 tăng từ 55% lên 64%. Nếu lãi suất neo ở mức cao trong dài hạn thì vàng cũng bị ảnh hưởng...
Bình luận (0)