Giá vàng hôm nay 8.6.2022: Các ngân hàng, nhà đầu tư tăng mua

Thanh Xuân
Thanh Xuân
08/06/2022 09:14 GMT+7

Giá vàng thế giới đã hồi phục trở lại vào sáng 8.6. Lực mua vàng từ các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương các nước đã hỗ trợ kim loại quý không bị giảm quá sâu trong thời gian qua.

Vàng miếng SJC sáng 8.6 tăng 50.000 - 100.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào lên 68,7 triệu đồng/lượng và bán ra 69,6 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng mua vào lên 69,2 triệu đồng/lượng và bán ra 69,6 triệu đồng/lượng… Trong khi đó, cùng chất lượng vàng 4 số 9, các loại vàng nhẫn, nữ trang lại có giá thấp hơn vàng miếng SJC lên đến 15,5 - 16 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn 4 số 9 có giá 53,75 - 53,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra 54,1 triệu đồng/lượng; vàng nữ trang có giá mua vào 53,7 triệu đồng/lượng và bán ra 54,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hồi phục một cách chậm chạp, dẫn đến vàng SJC cao hơn quốc tế 17,85 triệu đồng/lượng và nữ trang cao hơn khoảng 2,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hồi phục, các ngân hàng, nhà đầu tư tăng mua

Vàng nữ trang có giá thấp hơn vàng miếng hơn 15 triệu đồng/lượng

khả hòa

Giá vàng thế giới ngày 8.6 quay đầu, tăng 10 USD/ounce, lên 1.850 USD/ounce. Các nhà đầu tư săn lùng mua vào khi giá giảm dẫn đến mức giá bật lại mức 1.850 USD/ounce, vùng giá được duy trì trong khoảng 30 ngày qua. Thị trường chứng khoán tăng điểm đã phần nào hạn chế đà đi lên của kim loại quý. Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 264,36 điểm, tương đương 0,8%, lên 33.180,14 điểm; S&P 500 tăng 0,95% lên 4.160,68 điểm; Nasdaq tăng 0,94% lên 12.175,23 điểm.

Ngân hàng trung ương Úc đã phần nào khiến thị trường bất ngờ khi tăng lãi suất lớn hơn dự kiến. Ngân hàng Hoàng gia Úc đã tăng biên độ lãi suất chính từ 0,5% đến 0,75%, lên 0,85%. Mức tăng này cao hơn so với dự báo trước đó chỉ 0,25%. Việc tăng lãi suất này để đối phó với tốc độ lạm phát tăng cao của nước này. Theo Thống đốc Ngân hàng Úc Philip Lowe, các yếu tố toàn cầu như chuỗi cung ứng gián đoạn do Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, cùng với các yếu tố trong nước như thị trường lao động bị siết chặt, lũ lụt nghiêm trọng cũng góp phần khiến lạm phát của Úc tăng lên 5,1% như hiện nay.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua ròng trở lại kim loại quý này với dự trữ toàn cầu tăng 19,4 tấn trong tháng 4. Các ngân hàng trung ương mua và bán vàng đan xen gần đây, dù khối lượng nhỏ nhưng cũng tác động đến số dư trong tháng.

4 ngân hàng trung ương là những nơi mua chính trong tháng 4. Đó là Uzbekistan mua 8,7 tấn vàng; Kazakhstan tăng dự trữ vàng thêm 5,3 tấn. Đây là lần tăng đầu tiên đối với cả hai quốc gia trong năm nay và sau ba tháng bán liên tiếp. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua vàng trong năm nay, thêm 5,6 tấn nữa, đưa dự trữ vàng của nước này lên 436,7 tấn, chiếm 27,8%. Cuối cùng, Ấn Độ đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 0,9 tấn lên 761,3 tấn. Riêng Đức đã bán 0,9 tấn vàng trong tháng 4, mà WGC cho rằng có thể liên quan đến việc đúc tiền. Cả Mexico và Cộng hòa Séc đều bán 0,1 tấn vàng. Nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương đã thu hút sự chú ý mới trong năm nay do cuộc tấn công liên tục của Nga vào Ukraine. Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích tại Société Générale cho rằng các ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển có thể dẫn đầu về nhu cầu vàng.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu kim loại quý Metal Focus có trụ sở tại Anh cho biết họ kỳ vọng giá vàng trung bình cả năm vào khoảng 1.830 USD/ounce, đây sẽ là mức giá trung bình cao kỷ lục. Các bình luận được đưa ra khi giá vàng giao dịch trong lãnh thổ tương đối trung lập, quanh mức 1.850 USD/ounce.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.