Lên đỉnh mới
Cụ thể, phiên hôm qua giá vàng miếng SJC trên thị trường không ngừng tăng lên sau thông tin phiên đấu thầu bị hủy. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá vàng miếng SJC thêm 700.000 đồng mỗi lượng, mua vào 83,5 triệu đồng, bán ra 85,8 triệu đồng, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Tập đoàn Doji tăng giá vàng miếng từ 600.000 đồng mỗi lượng, mua vào 83,5 triệu đồng, bán ra 85,5 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng nhẹ giá vàng từ 750.000 - 950.000 đồng/lượng, mua vào 83,6 triệu đồng, bán ra 85,8 triệu đồng. Công ty Phú Quý tăng 500.000 - 800.000 đồng, mua vào với giá 83,5 triệu đồng, bán ra 85,8 triệu đồng… Các đơn vị kinh doanh tăng giá bán vàng nhanh hơn so với mua vào.
Riêng giá vàng nhẫn chỉ tăng nhẹ từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào lên 73,68 triệu đồng, bán ra 75,28 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 73,6 triệu đồng, bán ra 75,3 triệu đồng. Công ty SJC mua vào 73,1 triệu đồng, bán ra 74,8 triệu đồng…
Giá vàng trong nước tăng ngược chiều so với giá thế giới. Đáng nói, giá trong nước tăng khi kim loại quý trên thị trường quốc tế giảm 7 USD/ounce, xuống còn 2.299 USD/ounce. So với mức đỉnh đạt được hồi giữa tháng 4, giá vàng quốc tế hiện nay thấp hơn 130 USD/ounce, thế nhưng giá vàng miếng SJC lại xác lập mức cao mới khi tiến sát mức 86 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 4,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng vọt lên gần 86 triệu đồng/lượng sau tuyên bố hủy đấu thầu vàng
Trạng thái nói trên của giá vàng diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hủy đấu thầu 16.800 lượng vàng sáng 3.5 với nguyên nhân chỉ có một đơn vị nộp thầu. Đây là phiên đấu thầu thứ tư, nhưng có đến 3 phiên bị hủy và 1 phiên có khối lượng trúng thầu chỉ 20% khối lượng (3.400 lượng trúng thầu).
Theo NHNN, có 6 đơn vị tham gia đấu thầu ngày 3.5, ít hơn so với những phiên trước đó khi một số đơn vị nhận được thông tin đấu thầu vàng trễ nên không kịp đặt cọc. Được biết, mức giá chào thầu là 83,92 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vào của các đơn vị trên thị trường cùng thời điểm khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Nhìn lại những phiên đấu thầu vàng cách đây 11 năm có thể hiểu tại sao thị trường vàng "nóng hừng hực" nhưng các phiên đấu thầu vàng không thành công. Cuối năm 2013, các phiên đấu thầu vàng diễn ra sôi động, thu hút nhiều đơn vị tham gia và khối lượng trúng thầu lớn. Chẳng hạn phiên đấu thầu ngày 31.12.2013 có 20.000 lượng vàng đã được 16 đơn vị tham gia mua hết. Mức giá sàn đưa ra bấy giờ là 34,65 triệu đồng/lượng (gần với giá mua vàng của các đơn vị trên thị trường), kết quả giá cao nhất trúng thầu là 34,69 triệu đồng, thấp nhất là 34,66 triệu đồng. Đơn vị mua nhiều nhất là 1.500 lượng, mua ít nhất là 500 lượng.
Đấu thầu làm thị trường xáo trộn?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho biết thị trường hiện rơi vào trạng thái không hiểu mục tiêu của những phiên đấu thầu vàng gần đây là gì. Một hai phiên đầu chưa thành công thì có thể hiểu, nay đến phiên thứ tư mà vẫn hủy thì không biết mục tiêu của nhà điều hành khi đưa vàng ra đấu thầu. Mức giá đấu thầu cao khiến giá vàng trên thị trường bị kéo lên. Nếu không thay đổi về giá và khối lượng đấu thầu thì không mong đợi phiên đấu thầu nào thành công, bán hết được lượng vàng ra thị trường.
"Sau nhiều phiên hủy liên tục, NHNN cần phân tích nguyên nhân, mục tiêu đấu thầu để làm gì, nếu không bám mục tiêu đó thì không nên tổ chức đấu thầu trong bối cảnh này. Nó chỉ làm xáo trộn thị trường thêm", ông Nguyễn Ngọc Trọng nói thẳng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cũng cho rằng giá đấu thầu cao nên các đơn vị tham gia khó có thể mua nổi. Hơn nữa đấu thầu vào ngày thứ 6, đến đầu tuần sau mới lấy hàng thì càng rủi ro hơn cho đơn vị trúng thầu nên không đơn vị nào dám bỏ ra hơn 100 tỉ để ôm vàng.
"Các đơn vị kinh doanh vàng để giá mua và bán ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng nhằm tránh rủi ro. Vì qua đêm giá thế giới có thể tăng giảm quanh mức 50 - 70 USD/ounce là điều có thể xảy ra. Việc ôm một khối lượng vàng lớn 1.400 lượng (mức đấu thầu tối thiểu) sẽ mất nhiều ngày mới có thể bán ra hết càng làm cho đơn vị kinh doanh thêm rủi ro", ông Huỳnh Trung Khánh dẫn chứng.
Cũng theo ông Khánh, những phiên đấu thầu vàng liên tục bị hủy khiến thị trường hoài nghi, phản ứng nên giá tăng nhanh. Mặc dù nhu cầu trên thị trường không cao nhưng nguồn cung vàng không có, cộng thêm những phiên đấu thầu vàng bị hủy càng cho thấy thị trường không ai bán ra. Nếu tình trạng này cứ lặp lại làm cho thị trường mất niềm tin, những người đang có vàng càng không bán ra mà ngược lại, có thể gia tăng lực mua.
"Qua 4 phiên đấu thầu vàng cho thấy sự can thiệp thị trường vàng từ NHNN chưa thành công. Câu chuyện kéo giá vàng trong và ngoài nước bám sát nhau xem ra sẽ khó khăn hơn khi giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm xuống mức 2.250 USD/ounce, còn giá vàng trong nước cứ đi lên. Nguy cơ vàng miếng SJC đắt hơn quốc tế lên lại mức 18 - 19 triệu đồng/lượng rất có thể xảy ra trong thời gian tới", ông Khánh nhận định và lý giải: Trước đây, thị trường sợ nhà nước bán vàng can thiệp thị trường nên kéo về mức giá 11 - 12 triệu đồng/lượng. Thế nhưng sau nhiều phiên đấu thầu không thành công, giá vàng miếng SJC đã cao hơn lên lại 15 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế khi tăng cung giảm nhiệt thị trường, giải pháp căn cơ vẫn là cho nhập khẩu vàng để sản xuất vàng và sửa đổi Nghị định 24/2012 về xóa bỏ độc quyền vàng miếng. Thị trường vàng lúc đó sẽ tự điều tiết, chênh lệch giá trong nước - thế giới sẽ được kéo lại gần hơn.
Mục tiêu của đấu thầu vàng miếng theo NHNN là để tăng cung, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Tăng cung nhưng giá bán ra cao thì dù bán được cả trăm nghìn lượng cũng không thể kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới được. Nếu những phiên đấu thầu vàng sắp tới giá tham chiếu vẫn để mức cao sẽ không thành công. Cần giảm giá đấu xuống thấp để lượng vàng trúng thầu cao, từ đó giá trên thị trường xuống thấp. NHNN tổ chức nhiều phiên đấu thầu mà không hiệu quả thì cũng mất uy tín.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM)
Bình luận (0)