Ngày cưới vợ xa vời vợi
Để chuẩn bị cưới vợ, nhiều năm qua, ngoài giờ làm việc ở Công ty may Việt Tiến, Q.Tân Bình (TP.HCM), Nguyễn Hoàng Nhân (26 tuổi), còn chạy xe ôm công nghệ nhằm tăng thêm thu nhập. Đám cưới của Nhân và bạn gái dự định được tổ chức vào cuối tháng 6.2024 đã không diễn ra theo kế hoạch do giá vàng liên tục phá vỡ các kỷ lục.
Nhân cho biết trong cuộc gặp gỡ giữa 2 bên gia đình, nhà gái yêu cầu ngoài số tiền sính lễ, nhà trai phải tặng cô dâu tối thiểu 2 lượng vàng trong ngày cưới. Với giá vàng hiện tại, món quà cưới này cho cô dâu có giá gần 200 triệu đồng, là số tiền không hề nhỏ với Nhân.
“Mình đã nói chuyện với gia đình gái về vấn đề giảm bớt thách cưới bằng vàng nhưng họ không đồng ý. Ngoài chuyện vàng vòng, đám cưới còn rất nhiều tiền phải chi. Bên gia đình vợ sắp cưới nói rằng không muốn mất mặt với họ hàng, láng giềng khi con gái được gia đình chồng tặng ít vàng trong ngày cưới. Giá vàng tiếp tục lên và không giảm thì ngày mình lấy vợ còn xa vời vợi”, Nhân than thở.
Nhân cũng suy nghĩ liệu có nên mua vàng cưới theo hình thức trả góp để đáp ứng yêu cầu của gia đình bạn gái và tổ chức đám cưới theo dự định. Nhưng sau đám cưới, cuộc sống vợ chồng còn nhiều thứ phải lo toan, mua vàng cưới theo hình thức trả góp sẽ tăng thêm gánh nặng tài chính.
Khi giá vàng tăng cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Mai Xuân Triết (25 tuổi), ngụ tại 79 đường số 2, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM, đứng ngồi không yên vì lo không sắm được vàng cưới vợ. Giá vàng nhẫn lên tới gần 9 triệu đồng/chỉ, hơn cả một tháng lương của Triết.
“Mình làm công nhân xây dựng, đồng lương ba cọc ba đồng, người yêu là công nhân may mặc cũng thế. Ba mẹ đã lo cho mình nhiều rồi. Giờ lập gia đình phải tự lo lấy thôi. Gia đình người yêu đặt nặng chuyện hình thức, ngày cưới con gái phải đeo thật nhiều vàng thì người ta mới coi trọng, nở mày nở mặt với họ hàng. Nếu giá vàng tiếp tục tăng, mình sẽ thỏa thuận với người yêu đi thuê bộ trang sức cho ngày cưới. Như thế, sẽ giải quyết vấn đề, vừa tiết kiệm, vừa được hình thức”, Xuân Triết nói.
Hạnh phúc từ sự giản đơn chứ không vì vàng bạc
Thạc sĩ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, cho biết trong phong tục lễ cưới truyền thống của Việt Nam chưa thấy nói đến vấn đề đặt nặng việc lấy vàng làm sính lễ gửi đến cô dâu. Tại Bảo tàng TP.HCM, nơi trưng bày không gian lễ cưới của người Việt thì hoàn toàn không có câu chuyện liên quan đến tặng vàng trong ngày cưới, hầu hết phong tục, sính lễ hướng đến giá trị tinh thần.
“Trong lễ cưới, vàng không có tính bắt buộc, tùy vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình nhà trai mà số lượng vàng gửi đến cô dâu ít hay nhiều. Chúng ta đã qua rồi thời kỳ xã hội thách cưới quá cao, tạo áp lực cho gia đình nhà trai. Trong lễ cưới, vàng nhà trai mang đến là đôi bông tai cho cô dâu, nhẫn cho cặp đôi đeo vào để nhắc nhở rằng mình đã có gia đình, sự thủy chung về tình yêu. Số lượng vàng đủ để tạo dấu ấn tình yêu của 2 người chứ không cần dây chuyền, lắc tay đeo nặng người để khoe khoang với dòng họ. Vàng có thì tốt, không có thì cũng chẳng giảm sút ý nghĩa ngày cưới”, thạc sĩ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nói.
Thạc sĩ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nhìn nhận nhiều người đang bị phụ thuộc vào vật chất mà không chú trọng ý nghĩa tinh thần của lễ cưới khi thách cưới bằng vàng quá cao. Họ khiến con gái của mình trở thành sản phẩm của "chợ búa" chứ không còn là câu chuyện tình yêu thiêng liêng. Nhà trai không có điều kiện, họ phải chạy vạy khắp nơi vay tiền mua vàng đáp ứng yêu cầu của nhà gái hoặc mượn của họ hàng để trình lễ rồi sau đám cưới thu lại trả cho người ta. Nếu gia đình nhà trai có mang nhiều vàng làm sính lễ thì tốt, còn không cũng đừng nên thách cưới để chạy theo việc... khoe của.
“Một đám cưới văn minh là lễ vừa đủ, có sự chia sẻ, chúc mừng cho nhau, hướng đến sự bền vững trong tình yêu, cuộc sống hôn nhân chứ không phải chạy theo vàng, tiền. Lễ cưới thì chữ lễ nhấn mạnh vào giá trị tinh thần. Mong sao những cuộc hôn nhân được trọn vẹn đừng để những câu chuyện thách cưới cao, nhà trai không đủ tiền mua sính lễ để rồi đôi trẻ không đến được với nhau. Gia đình nhà trai và nhà gái thông cảm, thấu hiểu hoàn cảnh của nhau để đi đến giải pháp tốt nhất cho hạnh phúc của 2 con”, thạc sĩ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nhắn gửi.
Thạc sĩ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cho biết nhiều cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn không thể nào tổ chức được một đám cưới để ba mẹ, họ hàng, bạn bè chứng kiến cuộc hôn nhân. Tại TP.HCM, các cơ quan đoàn thể, nhà hảo tâm tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp đôi như vậy để họ được khoác lên mình lễ phục cưới trang trọng và rất hạnh phúc. Khi đó, vàng không có ý nghĩa gì hết mà quan trọng là "sợi chỉ đỏ" kết nối giữa trái tim cô dâu và chú rể. Kết nối cha mẹ, họ hàng nhà trai với nhà gái. Đây là minh chứng để cho chúng ta bớt đi áp lực tiền bạc, vàng.
“Tình yêu đâu cần vàng bạc châu báu mới hạnh phúc, sự chân thật từ trái tim đến trái tim thì hạnh phúc mới sinh sôi nảy nở”, thạc sĩ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nói.
Bình luận (0)