Sáng 28.4, giá vàng miếng SJC trên thị trường giảm 80.000 đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 55,22 triệu đồng/lượng và bán ra 55,57 triệu đồng/lượng; Eximbank mua vào với giá 55,3 triệu đồng/lượng và bán ra 55,5 triệu đồng/lượng… Giới kinh doanh vàng trong nước chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ dài nên hạn chế giao dịch. Thị trường vàng càng trở nên ảm đạm hơn dù chênh lệch giá mua và bán có kéo ngắn lại còn 200.000 - 250.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới sáng 28.4 giảm gần 6 USD/ounce, xuống còn 1.770 USD/ounce. Giá vàng yếu đi khi USD tăng trở lại, chỉ số USD-Index tăng 0,1 điểm, lên 90,99 điểm.
Tuy nhiên, giá cả hàng hóa trên thị trường đều tăng đang là nỗi lo ngại lạm phát gia tăng. Cụ thể, giá ngô kỳ hạn vừa đạt mức cao nhất gần 8 năm qua chỉ qua một đêm và đang giao dịch trên 7,20 USD/bushel. Đậu nành cũng đang ở mức cao gần 8 năm, gần 16 USD/bushel, và lúa mì kỳ hạn ở mức cao nhất trong 8 năm trên 7,5 USD/bushel. Tương tự, giá heo hơi kỳ hạn ở mức cao nhất trong 6,5 năm: giá đồng kỳ hạn ở mức cao nhất trong 10 năm, giá thép kỳ hạn của Trung Quốc ở mức cao kỷ lục, giá cà phê kỳ hạn đạt mức cao nhất gần 4 năm trong tuần này và giá gỗ giao sau ở mức cao kỷ lục. Gỗ đợt tăng giá cuối cùng trong năm 2018 đã chứng kiến giá hợp đồng tương lai đạt mức cao kỷ lục khi đó là 659 USD mỗi nghìn feet. Tuần này, giá đã tăng vọt lên 1.420 USD và vẫn đang tiếp tục tăng. Nhiều người Mỹ muốn xây nhà mới trong năm nay đang tạm dừng vì giá gỗ xẻ quá cao.
Giá nhà tại Mỹ tăng 0,9% trong tháng 2 so với tháng trước, nối tiếp đà tăng của tháng 1 và cũng là dự báo của các chuyên gia ở mức 1%. So với cùng kỳ năm 2020, giá nhà tại quốc gia này đã tăng tới 12,2%. Bên cạnh đó, Conference Board khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng tại nước Mỹ ở mức 121,7 điểm trong tháng 4, tăng mạnh từ 109,0 điểm của tháng 3, thậm chí vượt mạnh so với mức 113,1 điểm theo kỳ vọng. Đây là mức niềm tin tiêu dùng cao nhất kể từ tháng 2.2020.
Bình luận (0)