Giá vàng miếng SJC ngày 3.6 giảm 100.000 - 130.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào 48,52 triệu đồng/lượng, bán ra 48,72 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 48,52 triệu đồng/lượng, bán ra 48,87 triệu đồng/lượng… Chênh lệch giá mua và bán vàng của đơn vị kinh doanh được rút ngắn còn 200.000 – 350.000 đồng/lượng khi thị trường giao dịch ảm đạm. Vàng trong nước giảm chậm hơn thế giới khiến giá cao hơn khoảng 300.000 đồng/lượng.
Vàng thế giới đã giảm 6 USD/ounce, về 1.723 USD/ounce vào sáng 3.6. Xét về mặt kỹ thuật, giá vàng đang suy yếu và có khả năng về mức 1.700 USD/ounce. Vàng gặp phải lực chốt lời của nhà đầu tư dẫn đến giảm giá dù rằng các yếu tố hỗ trợ vàng tăng vẫn hiện hữu như cuộc biểu tình biến thành bạo loạn trên khắp nước Mỹ, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc vẫn đang gia tăng, không cải thiện. Vàng bị thị trường chứng khoán cạnh tranh khi giá các cổ phiếu tăng điểm. Chỉ số chứng khoán Mỹ đêm 2.6 (tính theo giờ Việt Nam) tăng đồng loạt, cụ thể Dow Jones tăng 267,63 điểm, tương ứng 1,05%, lên 25.742,65 điểm; S&P 500 tăng 25,09 điểm, tương ứng 0,82%, lên 3.080,82 điểm; Nasdaq tăng 56,33 điểm, tương ứng 0,59%, lên 9.608,38 điểm.
Theo Hiệp hội Thị trường Vàng London, lượng vàng và bạc giao dịch giữa các thành viên trong tháng 4 thấp hơn so với tháng 3, mặc dù số lượng cao hơn so với cùng thời điểm năm 2019. Lượng vàng giao dịch trong tháng 4 giảm 18,2% so với tháng trước, ở mức 23,9 triệu ounce và giá trị giảm 13,5%, ở mức 40,2 tỉ USD mỗi ngày. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, lượng vàng giao dịch lại tăng 18,4% và giá trị giao dịch tăng 54%.
Bình luận (0)