Giá xăng dầu giảm mạnh, giá vé xe tết vẫn tăng

13/01/2015 04:07 GMT+7

Trong khi giá xăng dầu giảm rất mạnh, giá cước vận tải ù lì giảm rất ít thì việc các doanh nghiệp (DN) vận tải công bố giá vé xe khách liên tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới lại tăng 20 - 60% so với ngày thường khiến người dân rất bức xúc.

Trong khi giá xăng dầu giảm rất mạnh, giá cước vận tải ù lì giảm rất ít thì việc các doanh nghiệp (DN) vận tải công bố giá vé xe khách liên tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới lại tăng 20 - 60% so với ngày thường khiến người dân rất bức xúc.
 
Chen lấn để mua được tấm vé xe tết sáng 12.1 tại Bến xe Miền Đông - Ảnh: Diệp Đức MinhChen lấn để mua được tấm vé xe tết sáng 12.1 tại Bến xe Miền Đông - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo kế hoạch bán vé Tết Nguyên đán 2015 tại Bến xe (BX) Miền Đông, bắt đầu từ ngày 12 tháng chạp, giá vé xe khách liên tỉnh tăng thấp nhất là 20%, cao nhất là 60% so với ngày thường, tùy theo tuyến đường. Tại BX Miền Tây, giá vé xe đi các tỉnh ĐBSCL trong dịp tết cũng tăng đến 40% so với ngày thường. Điều bất thường là vừa qua, dù giá xăng dầu giảm rất mạnh, nhưng giá cước vận tải giảm rất ít, không tương xứng, nhưng nay giá cước dịp tết lại tăng bằng mức tăng năm ngoái.
Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BX Miền Đông, tính đến ngày 12.1, tại BX mới chỉ có 100/207 DN vận tải hành khách kê khai giảm giá cước sau khi giá xăng giảm đến 35% qua các đợt. Mức giảm giá cước chỉ 5 - 10%, đặc biệt có những DN giảm cho có, chỉ 2 - 3%.
Cơ quan quản lý cần vào cuộc
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho rằng nếu xảy ra hiện tượng bất thường, tăng giảm không hợp lý giá cước thì các cơ quan nhà nước phải sớm can thiệp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Trong trường hợp này, Sở Tài chính nên kiểm tra ngay để biết hãng xe nào cố tình không giảm giá cước, giảm lấy lệ, sau khi giá nhiên liệu giảm mạnh”, ông Tính nói.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho rằng khâu quản lý giá cước ở cấp vĩ mô “đang bị sơ hở”. Theo đó, hiện nay văn bản pháp luật quy định giá cước không phải là mặt hàng nhà nước quản lý, được điều tiết theo thị trường. Trong khi đó, thực tế các hiệp hội phần lớn chỉ lo bảo vệ quyền lợi của ngành nghề mình. “Giải pháp lâu nay là kêu gọi các DN giảm giá, giống như kêu gọi lòng thương trong cơ chế kinh tế thị trường, là không thể có kết quả được. Đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cần sớm đề xuất Chính phủ thay đổi quy định theo hướng cần quản lý giá cước. Còn như hiện nay, thấy dư luận lên tiếng quá thì lập đoàn kiểm tra. Việc này vừa bị động lại rất dễ phát sinh tiêu cực”, ông Sanh nói.
Vé ngoài bến tăng gấp 2, 3
Mức tăng giá vé trên là đối với hàng trăm DN vận tải đăng ký hoạt động trong BX. Còn đối với rất nhiều xe “dù”, xe hoạt động dưới danh nghĩa xe hợp đồng vận chuyển... ngoài bến, hoạt động rầm rộ ở Q.Tân Bình, Tân Phú, Q.12, Thủ Đức (chủ yếu chạy các tuyến miền Trung, miền Bắc), Q.1, Q.5, Bình Tân (đi Đà Lạt, Nha Trang, các tỉnh miền Tây), thì giá vé xe tết tăng đến gấp đôi, gấp ba ngày thường. Anh Nguyễn Văn Hải, Q.Tân Phú, phản ánh vừa mua vé của nhà xe T.T giá 800.000 đồng/vé để về Quảng Ngãi vào ngày 26.12 âm lịch, cao hơn giá vé ngày thường tới 500.000 đồng. Đây là mức giá phổ biến của các nhà xe hoạt động tại khu vực trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.