Cập nhật giá xăng dầu đến tối 10.7 cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore vẫn tăng nhẹ. Mức chênh lệch đối với xăng không đáng kể, khoảng 100 - 120 đồng/lít, mức chênh lệch đối với dầu cao hơn, khoảng 300 - 400 đồng/lít. Theo đó, các dự báo cho thấy, mức tăng đối với các mặt hàng xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay (11.7) có thể tương đương, chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh các loại phí, nếu có.
"Có một thực tế là chiết khấu về cho bán lẻ đang giảm nhẹ dần từ 2 ngày qua. Chiết khấu xăng dầu tại kho khu vực phía nam sáng nay (11.7) về còn 550 - 650 đồng/lít. Nên dự báo giá xăng chiều nay có thể tăng nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào quyết định trích lập quỹ bình ổn giá", một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở phía nam cho biết.
Nếu đúng như dự đoán, giá xăng dầu trong nước sẽ có lần tăng giá thứ 10 trong năm nay. Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 9 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Trên thế giới, ghi nhận lúc đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá 2 mặt hàng dầu chuẩn đã tăng nhẹ trở lại, mức tăng 0,4 - 0,5%. Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã leo lên mốc 78 USD/thùng, Đóng phiên giao dịch lúc rạng sáng nay, giá dầu thô Brent giảm 1% xuống 77,69 USD/thùng và dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,2% xuống 72,99 USD/thùng.
Trên Reuters, các nhà phân tích bình luận hiện các nhà giao dịch rất thận trọng về việc lãi suất sẽ tăng cao hơn, điều này có thể "giết chết" nhu cầu rất nhanh, do tăng trưởng kinh tế chậm lại kéo nhu cầu dầu mỏ giảm. Bên cạnh đó, chuyên gia nói, giá dầu đã có đợt tăng mạnh trong tuần qua, ngay phiên đầu tuần, một số nhà đầu tư cũng đang tranh thủ tham gia chốt lời.
Ở một diễn biến khác, theo Reuters, trong tháng 6, chỉ số sản xuất của các nước Đông Nam Á đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm qua, giá tiêu dùng lại vô cùng bấp bênh. Trong tháng 6, chỉ số sản xuất tại Trung Quốc giảm đến 5,4% so cùng kỳ năm trước và là tháng giảm thứ 9 liên tiếp. Người đứng đầu Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho hay, nhu cầu dầu từ Trung Quốc và các nước đang phát triển, kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể sẽ khiến thị trường thắt chặt trong nửa cuối năm bất chấp nền kinh tế toàn cầu trì trệ.
Bình luận (0)